Sâm Lai Châu có tên gọi khác là tam thất Mường Tè, tam thất đen, tam thất đỏ, phân bố trên núi Pu Si Lung, Pu Sam Cáp. Loại cây này có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, sâm Lai Châu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tự phát và chưa hình thành các khu sản xuất tập trung. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, khai thác và chế biến cây sâm chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng.
Với tính cấp thiết bảo tồn và để sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh Lai Châu đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu cấp tỉnh và 1 đề tài cấp bộ; ban hành đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, tỉnh Lai Châu có 3,68 ha diện tích trồng sâm của doanh nghiệp, người dân.
Lai Châu mong muốn các nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hợp tác xã và các hộ gia đình trồng cây sâm tiếp tục quan tâm để phát triển cây sâm Lai Châu trở thành cây dược liệu chủ lực của tỉnh.
Hà Trần