Theo đó, dự báo lượng khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng tăng, nhu cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết tăng khoảng 10 – 15% so năm trước. Vì vậy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu bình ổn thị trường gồm: nhóm lương thực (gạo, nếp, đậu xanh); nhóm thực phẩm (muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến từ thịt, bánh mứt, kẹo, sữa các loại…); nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gia súc – gia cầm, cá – tôm, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây) và nhóm xăng, dầu.
UBND tỉnh yêu cầu, hàng hóa tham gia dự trữ, bình ổn thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nguồn hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và du khách dịp này ước giá trị khoảng 1.650 tỷ đồng (lương thực 60 tỷ, thực phẩm 1.250 tỷ, thực phẩm tươi sống 340 tỷ). Trong đó, siêu thị GO! Đà Lạt, Cooopmart Bảo Lộc, Vinmart Bảo Lộc có kế hoạch dự trự hàng hóa khoảng 68,5 tỷ đồng và đăng ký kế hoạch bán hàng bình ổn thị trường khoảng 9,5 tỷ đồng. Nguồn hàng xăng dầu được các doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ khoảng 5.250m3, giá trị khoảng 130 tỷ đồng.
Có 20 điểm đăng ký cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, gồm 3 siêu thị nêu trên, 15 chợ tại trung tâm các huyện, thành phố và 3 cửa hàng chuyên cung ứng lương thực, thực phẩm. Về xăng dầu, có 88 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc 9 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn phủ khắp các địa bàn tỉnh tham gia.
Phong Vân (t/h)