Vậy cần hiểu về quy định này như thế nào cho đúng? Làm thế nào để việc tặng quà trong dịp Tết không biến thành cơ hội để thực hiện các hành vi hối lộ, tham nhũng? Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội đã có những trao đổi về vấn đề trên.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Hà Phương)
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh Hà Phương.

Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, mới đây, Chỉ thị số 26 về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 có nhấn mạnh, nghiêm cấm việc biếu quà, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp theo mọi hình thức. Vậy theo ông, việc ban hành Chỉ thị có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Chúng ta thấy là nhiều năm gần đây, năm nào gần đến Tết thì Trung ương cũng có Chỉ thị về việc không biếu quà Tết, tặng quà Tết như là quy định trong Chỉ thị 26. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí là hệ trọng đối với nền hành chính công vụ của chúng ta. Một trong số đó là việc lợi dụng những sự kiện, đặc biệt như dịp lễ, Tết để biến tướng thành việc hối lộ. Chính vì thế, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị này cũng coi như một lần nhắc nhở trong dịp lễ, Tết cổ truyền, khi chúng ta vẫn thực hành các nét đẹp văn hoá dân tộc, thì không nên, không được phép biến tướng các giá trị văn hoá trở thành đầu vào cho các hoạt động  không phù hợp, không được lợi dụng để tạo ra các hiện tượng tham nhũng, hối lộ... Từ đó ảnh hưởng đến nét đẹp văn hoá ngày Tết của dân tộc.

Việc tặng quà trong dịp Tết cũng là một nét đẹp trong truyền thống của người Việt Nam. Theo quy định của Chỉ thị thì có một số nội dung như: Không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu quà, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Theo ông, quy định như vậy có trái với truyền thống văn hoá của dân tộc không?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Trong văn hoá dân tộc của chúng ta, việc biếu quà thể hiện trách nhiệm xã hội, thậm chí là trách nhiệm đạo đức trong xã hội. Và việc tặng quà, biếu quà ở góc độ nào đó, nó giúp cho việc gắn kết con người trong xã hội. Nó tạo ra tinh thần cộng đồng. Chúng ta cũng thế, mỗi khi đến nhà ai đó, chưa cần phải đến dịp Tết, bao giờ cũng mang theo túi quà nhỏ, thể hiện tình cảm của mình với chủ nhà. Chuyện đó tôi cho là bình thường, và nó tự nhiên như một nét đẹp trong văn hoá của dân tộc ta.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Làm gì để tặng quà trong dịp Tết không biến thành cơ hội để thực hiện các hành vi hối lộ, tham nhũng? Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng thấy rằng, trong bối cảnh hôm nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với các yếu tố lợi ích vật chất chen lấn vào các mối quan hệ xã hội, nhiều khi phong tục tốt đẹp bị biến tướng. Người ta lợi dụng nó để hối lộ chẳng hạn. Tết là một dịp rất quan trọng. Đặc biệt, nó lại là dịp lễ lớn nhất trong năm. Trước kia và tôi nghĩ hiện nay cũng thế, mỗi lần đến Tết, chúng ta cũng đến tặng quà cho người thân, tặng quà, biếu quà cho những người đã giúp đỡ mình, sống tốt với mình trong một năm vừa qua. Điều đó thể hiện tấm lòng, sự chân tình của mình với mọi người.

Chúng ta coi hoạt động đó phù hợp với lẽ phải. Nó cũng giúp gắn kết tình cảm con người, gắn kết cộng đồng với nhau. Trong xã hội hiện đại, đôi khi bận rộn cả năm, chẳng có dịp được gặp nhau, thì Tết là dịp chúng ta gặp nhau để chia sẽ, gắn kết yêu thương. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, việc làm đó phải diễn ra tự nhiên. Chứ khi nó đã bị biến tướng thì rất nguy hại đối với đạo đức xã hội. Nó sẽ bóp méo nhiều quan hệ khác trong xã hội.

Nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng, quy định vẫn là quy định, nó sẽ khó để tạo ra được sự chuyển biến trong xã hội. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Tôi thì không nghĩ như thế. Vì chúng ta thấy là trên thực tế, sau khi ban hành Chỉ thị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thực hiện khá nghiêm túc. Mặc dù chúng ta thấy là nó chưa chấm dứt được hẳn nhưng rõ ràng là đã có chuyển biến. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, chúng ta cũng đã có ý thức về việc cần phải thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Trung ương. Và đối với lĩnh vực văn hoá thì nó khó có thể chấm dứt ngay được một vấn đề nào đó. Bởi vì cũng cần phải có một thời gian nhất định để chúng ta thực hiện được. Điều quan trọng là chúng ta đã có quyết tâm, chúng ta đã có hành động để trả lại cho phong tục tốt đẹp của ngày Tết. Và tôi tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện được.

Ở nước ngoài họ có quy định cấm biếu quà, tặng quà nhất là trong những dịp Tết không, thưa ông?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Tôi không có điều kiện để bao quát tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ văn hoá phương Đông, việc tặng quà rất quan trọng; Còn văn hoá phương Tây tôi chưa bao quát được hết. Tôi có đọc một số nghiên cứu về dòng quà tặng của một giáo sư người Canada gốc Việt, đó là Giáo sư Lương Văn Hy. Ông đã nghiên cứu và phát hiện ra rất nhiều tác dụng, chức năng của việc biếu quà, tặng quà trong xã hội nông thôn Việt Nam. Hay ở Trung Quốc chẳng hạn, một nước có nền văn hoá tương đối tương đồng với Việt Nam. Việc cấm tặng quà trong dịp Tết cũng đã được báo chí nêu.

Làm gì để tặng quà trong dịp Tết không biến thành cơ hội để thực hiện các hành vi hối lộ, tham nhũng? Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Làm gì để tặng quà trong dịp Tết không biến thành cơ hội để thực hiện các hành vi hối lộ, tham nhũng? Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Ông có nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể biếu quà, tặng quà cho nhau trong dịp Tết, nhưng với mục đích và động cơ trong sáng?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ là như thế, mặc dù chúng ta rất khó đánh giá được động cơ thế nào là trong sáng. Khó phán xét được tặng quà này có phải là động cơ trong sáng hay không? Nhưng tôi nghĩ rằng, việc biếu quà, tặng quà Tết phải được đón nhận từ tất cả mọi người trong xã hội. Cả người nhận quà, tặng quà và cả những người khác có liên quan nữa. Để từ đó, không biến nó thành một sức ép. Không để suy nghĩ rằng, Tết là dịp lại quả, Tết là dịp hối lộ…

Vấn đề là chúng ta cần phải xây dựng một xã hội đề cao giá trị văn hoá, thượng tôn pháp luật. Và biến việc tặng quà thành một phong tục tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng, việc xác định ranh giới giữa tặng quà và hối lộ rất mong manh. Chính vì thế chúng ta cần phải có những quy định để việc tặng quà dịp Tết quay trở lại đúng giá trị của nó. Nó tôn vinh, gắn kết, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.

Chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận là mấy năm gần đây, việc thực hiện biếu, tặng quà tết ở một số cán bộ, địa phương có yếu tố vụ lợi, chấp hành và thực hiện không nghiêm theo quy định của Trung ương. Vậy để việc thực hiện Chỉ thị đi vào nền nếp, ông có cho rằng, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Chắc chắn là như vậy, vì chúng ta biết rằng, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo là rất quan trọng. Chúng ta hay nói là đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Trong xã hội hôm nay, nhiều khi chế tài bằng pháp luật không thể nào thực hiện được hoặc không thể thực hiện tốt do việc làm gương chưa tốt. Và chúng ta cũng biết hối lộ, tham nhũng cũng chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhất định nào đó thôi.

Không ai đi hối lộ những người dân bình thường, làm ăn lam lũ cả. Chính vì thế, việc làm gương của lãnh đạo, đảng viên là vô cùng quan trọng. Để từ đó giúp hình thành thói quen mới, giúp hình thành phong tục tập quán mới tốt đẹp, phù hợp với bối cảnh xã hội hôm nay. Từ đó làm cho cái Tết của chúng ta thêm đẹp và ý nghĩa nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn ông PGS.TS Bùi Hoài Sơn! 

Theo Trường Giang/Phát thanh Quân đội