Sử dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo TPBVSK

Theo ghi nhận của PV tạp chí Thương hiệu & Công luận, tại một số website, đường dẫn link website có sử dụng hình ảnh của Đại tá, Bác sĩ Phạm Hoà Lan kèm theo là các đánh giá của khách hàng về sản phẩm BVSK Khớp Tây Bắc.

Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm TPBVSK Khớp Tây Bắc
Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm TPBVSK Khớp Tây Bắc.

TPBVSK Khớp Tây Bắc có số đăng ký bản công bố sản phẩm số 8109/2021/ĐKSP thuộc Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Cụ thể, tại các website dưới đây, các đường link này “ngang nhiên” sử dụng hình ảnh của Đại tá, Bác sĩ Phạm Hoà Lan, các đánh giá, hình ảnh của khách hàng về sản phẩm. Và tuyệt nhiên, đây là hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng.

Bác sĩ Phạm Hoà Lan quảng cáo TPBVSK Khớp Tây Bắc
Bác sĩ Phạm Hoà Lan quảng cáo TPBVSK Khớp Tây Bắc.
Hình ảnh khách hàng được đăng tải trên website khoptaybac.info
Hình ảnh khách hàng được đăng tải trên website khoptaybac.info.

Tại video quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm, Bác sĩ Phạm Hoà Lan có chia sẻ "Khớp Tây Bắc có thể dùng cho các bệnh nhân mắc bệnh lý nền, bị huyết áp, bệnh dạ dày,.v.v.. và rất an toàn, lành tính với người sử dụng..."

TPBVSK Khớp Tây Bắc trên website của một số nhà thuốc
TPBVSK Khớp Tây Bắc trên website của một số nhà thuốc.

Thế nhưng, khi tìm hiểu thêm về công dụng, đối tượng sử dụng cho sản phẩm này tại các website nhà thuốc, TPBVSK Khớp Tây Bắc được ghi thích hợp sử dụng cho các trường hợp người muốn hạn chế lão hóa khớp, người bị viêm khớp, thoái hóa khớp, hoặc chỉ định cho người trưởng thành bị đau lưng, mỏi gối, tê mỏi tay chân, đau nhức xương khớp. Liệu rằng, những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, bị huyết áp, bệnh dạ dày,.. có thể tin tưởng theo video của Bác sĩ Phạm Hoà Lan mà yên tâm sử dụng sản phẩm này hay không?

Theo chia sẻ của khách hàng tại video được đơn vị đăng lên với mục đích là quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, những người được cho là đã từng sử dụng TPBVSK Khớp Tây Bắc có nói : "Tôi dùng Khớp Tây Bắc hơn chục ngày rồi, bây giờ nó êm êm, đỡ luôn, đi lại thì thoải mái,...". Tại một video phản hồi khác lại chia sẻ rằng "Nhờ có Khớp Tây Bắc của bác Lan mà tất cả các triệu chứng như là đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay của tôi đã đỡ đến 90% chỉ sau 1 tuần sử dụng tại nhà...". Đỡ đến 90% chỉ sau một tuần sử dụng, điều này vô tình tạo nên kỳ vọng cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, liệu TPBVSK Khớp Tây Bắc có mang lại hiệu quả nhanh đến “bất ngờ” đúng như những gì mà khách hàng trước phản hồi hay không? Khi bỏ tiền để mua TPBVSK này, liệu người dùng có nhận được kết quả như mong muốn?

Phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng TPBVSK Khớp Tây Bắc
Phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng TPBVSK Khớp Tây Bắc.

Không chỉ vậy, tại các website nêu trên, người giới thiệu về TPBVSK này được giới thiệu là Đại tá, TTƯT, Bác sĩ Phạm Hoà Lan, Nguyên chủ nghiệm khoa Nghiên cứu thuốc, trang thiết bị y tế Cục Quân y – BQP, Chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, tại trang mạng điện tử vtv24news đã từng đưa tin, thực chất ông Phạm Hoà Lan chỉ là dược sĩ, và làm việc tại Cục Quân y. Việc đăng tải những thông tin sai sự thật như vậy là hành vi lừa dối nhằm lấy lòng tin từ người tiêu dùng. 

Tại trang mạng điện tử vtv24news đã từng đưa tin, thực chất ông Phạm Hoà Lan chỉ là dược sĩ
Tại trang mạng điện tử vtv24news đã từng đưa tin, thực chất ông Phạm Hoà Lan chỉ là dược sĩ.

Bên cạnh đó, theo quy định, nhân viên y tế khi giới thiệu về các SPBVSK, TPCN không được mặc áo blouse, hay quân y. Đồng thời, cũng phải nhấn mạnh rằng, sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để qua mắt, đánh lừa người tiêu dùng, những nội dung này không được nhắc tới, mà còn bị thổi phồng công dụng lên.

Hình ảnh BS. Phạm Hoà Lan trong quân phục khi quảng cáo về TPBVSK Khớp Tây Bắc
Hình ảnh BS. Phạm Hoà Lan trong quân phục khi quảng cáo về TPBVSK Khớp Tây Bắc.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 Chính phủ: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm phẩm". Như vậy, trong trường hợp này bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Khớp Tây Bắc “thần dược” trị xương khớp?

Không chỉ sử dụng hình ảnh của Bác sĩ, khách hàng để quảng cáo sản phẩm, đường link dưới đây này còn sử dụng những từ ngữ quảng cáo TPBVSK mang công dụng như thuốc trị bệnh, với các cụm từ như “giúp loại bỏ hoàn toàn đau nhức xương khớp dù 10 năm - 20 năm cũng hết”; “cam kết xương khớp 10 năm 20 năm cũng hết chỉ sau 1 liệu trình sử dụng theo hướng dẫn”;…

TPBVSK Khớp Tây Bắc được quảng cáo với các công dụng như thuốc trị bệnh
TPBVSK Khớp Tây Bắc được quảng cáo với các công dụng như thuốc trị bệnh.

Mặc dù đã ghi rõ đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, tuy nhiên, khi tìm kiếm cụm từ “Khớp Tây Bắc” trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, có thể dễ dàng tìm thấy một loạt các tài tài khoản bày bán sản phẩm này với công dụng như “thần dược” trị bệnh. Cụ thể, tại một số trang mạng xã hội.

Các tài khoản này “hiên ngang” sử dụng cụm từ như: đặc trị, thần dược trị xương khớp, thuốc này dành cho những người gặp các vấn đề như viêm đa khớp, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, chỉ 1 liệu trình là trị được dứt khoát luôn,...Đi kèm theo đó là những bài đánh giá về hình ảnh, video của những người đã sử dụng sản phẩm này.

Hình ảnh quảng cáo của khách hàng về sản phẩm Khớp Tây Bắc trên mạng xã hội Facebook
Hình ảnh quảng cáo của khách hàng về sản phẩm Khớp Tây Bắc trên mạng xã hội Facebook.

Theo tìm hiểu, TPBVSK Khớp Tây Bắc do Công ty cổ phần dược Minh Duy, có địa chỉ tại Số 61 ngõ 12 đường Lương Khánh Thiện, tổ 60 phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội chịu trách nhiệm sản phẩm. Tại các website, trang Facebook được nêu trên, sản phẩm này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về sản phẩm do Công ty cổ phần dược Minh Duy - đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, phóng viên đã lần tìm theo địa chỉ của công ty. Tuy nhiên, phóng viên không thấy địa chỉ của số nhà 61 tại địa điểm. Theo lời người dân gần đó, khi được phóng viên hỏi thăm về công ty: “ Không có công ty được nào ở đây cả, nhiều người đến đây tìm số nhà 61 chữa bệnh gout rồi, nhưng không có. Người dân khẳng định là công ty ảo"!

Trong thời đại mạng xã hội phát triển nhanh và mạnh mẽ như ngày nay, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn mua các TPCN, SPBVSK tại những chỗ uy tín, và cẩn thận trước những lời quảng cáo “hoa mỹ” dù là của bác sĩ, nghệ sĩ, hay những hình ảnh phản hồi, đánh giá của khách hàng mà không rõ là thật hay dàn dựng.

Việc quảng cáo với tần suất cao, nội dung quảng cáo không chính xác, lập lờ, đã gây ra không ít hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Bởi vậy, trên thực tế đã có không ít người phải bỏ ra số tiền tương đối lớn để đặt mua "thần dược" mang tên thực phẩm chức năng này. Đặc biệt, những bệnh nhân khi mắc những căn bệnh liên quan đến gout hay xương khớp, khi sử dụng bất kỳ TPCN hay bất kỳ SPBVSK nào cũng cần có sự tư vấn từ bác sĩ, những người có chuyên môn về y tế. Đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng khi đặt mua các loại thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng với những công dụng bị "thổi phồng" hoặc truyền miệng để sử dụng.

Liệu công ty cổ phần dược Minh Duy có thực sự biết được rằng, những TPBVSK Khớp Tây Bắc mà họ chịu trách nhiệm phân phối lại được bày bán tràn lan, và “thổi phồng công dụng” như vậy không? Công ty có thực hiện quảng cáo, hay uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo cho TPBVSK Khớp Tây Bắc hay không? Với một mức giá không quá chênh lệch, liệu các sản phẩm trên các website này có phải là hàng chính hãng? Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ sự việc trên.

 Thuỳ Linh - Kim Khánh