Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng VCCI chia sẻ: “Quản lý rủi ro là lĩnh vực quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Trong đời sống kinh doanh, doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro về khách quan như thời tiết, thiên tai, bên cạnh đó là nhiều rủi ro tiềm tàng từ đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý. Nếu không quản lý được rủi ro, cái giá phải trả là rất lớn. Đặc biệt trong bối cạnh hội nhập sâu, doanh nghiệp không chỉ là nhân tố tạo ra lợi ích về vật chất mà còn đóng góp nhiều về mặt xã hội, môi trường. Do đó luôn cần phải nhận diện rủi ro để có giải pháp hướng tới”.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Đây sẽ là cơ hội nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để kiểm soát rủi ro, đặc biệt trong việc kí kết hợp đồng, bảo hiểm xã hội...”

Làm sao để kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh? - Hình 1

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có bài trình bày về những lưu ý với doanh nghiệp như đề cập tới một số kinh nghiệm như: hợp đồng được xác lập thông qua đại diện theo pháp luật; giao dịch cho chi nhánh hay công ty xác lập; xác định tư cách đại diện theo ủy quyền; giao dịch do người không có quyền đại diện xác lập... 

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, để phòng tránh và kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần nắm vững Luật Doanh nghiệp 2014; trong đó, quy định cần có người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền để tiến hành các giao dịch dân sự có liên quan. 

Ngoài ra, tùy từng lĩnh vực ngành hàng, doanh nghiệp cần có kiến thức sơ đẳng, nắm được những quy định của nhiều luật khác như: Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Đầu tư.... Trong những trường hợp cần thiết có sự can thiệp của trọng tài, các doanh nghiệp, không nên ngần ngại mà mạnh dạn tìm kiếm các phương án xử lý sao cho hiệu quả. Mọi tranh chấp phát sinh đều có thể giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo các Quy tắc tố tụng trọng tài. 

Đại diện Tổ chức Quốc tế Traffic tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Khương cũng nêu quan điểm: “Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang phải đối mặt không chỉ với rủi ro về pháp lý, về danh tiếng mà còn kể cả thiệt hại về kinh tế. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm hay dịch vụ từ các công ty có cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội”.

Cũng tại hội thảo, từ góc độ nghiên cứu, TS. Đỗ Ngân Bình, đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: “Đó có thể là thanh tra lao động, là khiếu nại và việc khởi kiện...với nhiều tình huống khởi phát rủi ro như: chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc; chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu và cần chấm dứt với nhiều lao động dôi dư. Hoặc, chấm dứt hợp đồng do xử lý kỷ luật sa thải, đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào mức tiền thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động, do không đóng bảo hiểm xã hội, do điều chuyển lao động hay do phải bồi thường chi phí đào tạo...”. 

Với những tình huống ấy, TS. Đỗ Ngân Bình khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ pháp lý chung cho doanh nghiệp. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho từng tình huống trước khi ký quyết định cuối cùng. Quy trình chung để giải quyết sự cố pháp lý sẽ là chuẩn bị hồ sơ, đánh giá rủi ro, chọn giải pháp tốt nhất và thực hiện. 

Trúc Mai