Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một trong những điều trăn trở của không ít người làm văn hóa là câu hỏi làm thế nào để Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia.

Theo NSND Vương Duy Biên thì, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam là cơ quan cao nhất về VHNT của nước nhà. Liên hiệp cùng với các Hội chuyên ngành Trung ương luôn quan tâm, phối hợp và định hướng giúp cho các Hội VHNT địa phương phát triển mạnh hơn, có chất lượng hơn.

Ảnh minh họa
Làm thế nào để đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia? Ảnh minh họa.

Liên hiệp hỗ trợ sáng tạo VHNT từ ngân sách của Trung ương, cùng phối hợp tạo điều kiện để các lĩnh vực VHNT của địa phương phát triển. Và từ sự phát triển đó, xuất hiện tài năng, có các tác phẩm, các vở hay, chương trình chất lượng thì dần dần sẽ trở thành thương hiệu.

Chủ trương của chúng ta là xây dựng công nghiệp văn hóa. Ở nhiều nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã có. Chúng ta đều thấy công nghiệp văn hóa được sinh ra từ một nền công nghiệp. Như vậy các lĩnh vực VHNT cũng phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp cao, từ đó mới dần hình thành và có điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa.

"Tôi ví dụ nhóm nhạc ABBA hay Modern Talking… thì họ không chỉ là thương hiệu quốc gia nữa mà còn là thương hiệu quốc tế. Họ ban đầu hình thành từ một nhóm nhạc bình thường, nhưng dần dần nổi tiếng không những ở nước Anh mà còn ra cả thế giới. Hay có những nghệ sĩ chỉ cá nhân thôi nhưng "cái tầm" của họ không những ở quốc gia đó mà còn là thương hiệu quốc tế. Vậy cái chốt của vấn đề, muốn có thương hiệu văn hóa thì trước hết phải là tài năng, là tác phẩm, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật", NSND Vương Duy Biên chia sẻ.

NSND Vương Duy Biên cho rằng, để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho văn hóa thì "đầu tiên chúng ta nên nghĩ nhỏ bé một tí, đó là xây dựng thương hiệu cho địa phương, cho ngành và bản thân các đơn vị nghệ thuật phải trở thành "thương hiệu cứng" đã.

NSND Vương Duy Biên. Ảnh Toquoc.vn
NSND Vương Duy Biên. Ảnh Toquoc.vn.

Nếu ở dưới hạ tầng còn đang rất nhiều vấn đề mà mình cứ vươn thẳng tới một thương hiệu quốc gia thì nó hơi khó, không có sơ sở và không bền vững. Cái giỏi của người quản lý là biết đầu tư vào chỗ nào mà khả năng chỗ đấy trở thành thương hiệu. Ví dụ trong các nhà hát, lựa chọn nhà hát nào, loại hình nghệ thuật gì… để đầu tư trọng điểm".

Cũng theo NSND Vương Duy Biên thì, muốn văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia thì "chúng ta phải đi bằng nhiều cách, nhưng không thể không nghĩ đến cái nền tảng. Một mặt nghĩ đến phong trào, một mặt nghĩ đến đầu tư trọng điểm. Nói đến nền công nghiệp văn hóa nó đòi hỏi rất nhiều thiết chế, ví dụ lĩnh vực Mỹ thuật, để có thị trường lành mạnh thì chúng ta phải tạo thị trường. Trong khi nhiều năm trước hầu như họa sĩ chỉ làm công việc hưởng lương, phần sáng tác tự do phát huy sáng tạo của họ ít nhiều bị hạn chế".

Việt Nam có 03 khu vực văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, thì mỗi một nơi có thể lựa chọn một thứ (hoặc nhiều hơn) để xây dựng thương hiệu quốc gia. Xây dựng được thương hiệu quốc gia sẽ rất có lợi, vì thương hiệu không những là hình ảnh Việt Nam mà còn hấp dẫn cả du lịch. Du lịch cũng là một cái đích để thu hút khách, thu hút đầu tư, mà còn tạo động lực ngược lại cho văn hóa phát triển.

"Mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia là đúng, cần thiết nhưng để xây dựng được, lại cần bao nhiêu yếu tố mà nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thực sự quan tâm", NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Q.N (t/h)