Tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19
Tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19

Tính từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.624.080 ca Covid-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca nhiễm).

Theo bản tin cập nhật của Bộ Y tế,  22/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 0 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.640.971 ca.

Hiện, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Trước đó, ngày 19/10/203, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Như vậy, dịch Covid-19 đã được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cùng nhóm với bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết...

Theo đó, từ ngày 20/10/2023, các hoạt động phòng, chống Covid-19 sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, với đặc thù của bệnh Covid-19, nên dù chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, virus vẫn tiếp tục tục có thể biến đổi. Vì vậy, Bộ Y tế vẫn sẽ tiến hành lồng ghép giám sát Covid-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng cúm, giám sát viêm phổi nặng do virus, giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus.

Đồng thời, Hệ thống giám sát dịch bệnh cũng thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.

Về chi phí điều trị, trong trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20/10 và ra viện từ ngày 20/10 trở về sau, Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo nguyên tắc là nhóm A. Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị Covid-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì BHYT thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Trong trường hợp này nếu người bệnh không tham gia BHYT thì tự thanh toán.

Liên quan đến việc tiêm vaccine Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine Covid-19 cần tiếp tục được theo dõi. Theo WHO hiện chưa có khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tổ thực tiễn như biến chủng mới của Covid-19 thì có thể có khuyến cáo mới tiếp theo. Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 của năm 2023, hiện việc tiêm vaccine Covid-19 vẫn miễn phí.

Về phụ cấp với người tham gia chống dịch sau khi Covid-19 thành nhóm B: "từ ngày 20/10 thực hiện theo đúng quy định của nhóm B, có nghĩa là không thực hiện chi trả chế độ phòng chống dịch với người tham gia chống dịch"-  ông Lê Thành Công- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho hay.

PV (T/h)