Tới đầu giờ sáng 21/4 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 5 hồi phục đôi chút nhưng vẫn ở vùng giá âm (khoảng -16 USD/thùng). Hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 cũng giảm mạnh nhưng đang ở quanh mốc 20 USD/thùng.

Giá dầu âm đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải trả thêm tiền cho người mua để mang dầu đi. Chi phí để tích trữ dầu cao hơn giá thành sản xuất.

Đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm (Ảnh: REUTERS)Đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm (Ảnh: REUTERS)

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch dầu theo hợp đồng giao tháng 5 ở mức thấp do vậy, các hợp đồng với kỳ hạn dài hơn thường được xem là chỉ báo chính sách hơn về tương quan mua bán. Giá dầu giao tháng 6, tháng 7 và tháng 8 đều quanh ở mức 20 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 ở mức khoảng 25 USD/thùng.

Tình hình xăng dầu thế giới không hề ổn định trong thời gian qua. Liên tiếp trong tuần này, giá nhiên liệu lao dốc không phanh và lần đầu tiên giá dầu ở mức âm, ghi dấu sự kiện lịch sử vào cuối ngày 20/4.

Theo Daniel Hynes tại ANZ, một trong những lý do đằng sau việc dầu thô lao giá là hạn hợp đồng tương lai tháng 5 sẽ kết thúc trong ngày 21/4. Còn Bloomberg cho biết, nhu cầu dầu đã cạn kiện do tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới.

Còn theo CNBC lý giải, giá dầu xuống mức đáy một phần do tác động từ thông tin đươc đưa ra tại trang TankerTrackers ngày 16/4, rằng: "Xuất khẩu dầu của Arab Saudi sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi từ tháng 2 đến tháng 3/2020, khi giá dầu sụp đổ”.

Đối diện với thực trạng các kho chứa dầu đều đã đầy trong khi nhu cầu giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, OPEC cùng các nước đồng minh đã đạt thoả thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng trên toàn thế giới.

Dịch Covid-19 đã buộc các quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại hoặc phong toả thành phố lớn. Điều này đã tạo ra cú sốc chưa từng có cho thị trường năng lượng.

Thị trường dầu mỏ thế giới hiện đang chịu áp lực về mất cân đối cung - cầu khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Ngay cả khi khối OPEC và các nước đồng minh đã đồng ý cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay, với thỏa thuận lịch sử là giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5, song giá dầu vẫn tiếp tục trượt giá, vì nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

PV