Cụ thể, trong phiên giao dịch cùng ngày, theo đà giảm chung của chỉ số VN-Index và nhiều cổ phiếu trên thị trường, mã chứng khoán MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã giảm giá mạnh.

Chốt phiên giao dịch cuối ngày 19/7, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ở mức 156.500 đồng/cổ phiếu, giảm 11.600 đồng/cổ phiếu (-6,9%) so với ngày 16/7. Mức giá này chỉ còn cao hơn mức giá sàn đúng 100 đồng.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu MWG trong ngày 19/7 cũng cao nhất trong 1 tuần trở lại đây khi đạt tới 1,868 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch 297,07 tỷ đồng, khối lượng bán ra cao hơn gấp 2 lần khối lượng mua vào.

Chốt phiên giao dịch cuối ngày 19/7, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ở mức 156.500 đồng/cổ phiếu, giảm 11.600 đồng/cổ phiếu (-6,9%) so với ngày 16/7
Chốt phiên giao dịch cuối ngày 19/7, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ở mức 156.500 đồng/cổ phiếu, giảm 11.600 đồng/cổ phiếu (-6,9%) so với ngày 16/7.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT đang trực tiếp sở hữu trên 12 triệu cổ phiếu MWG và 15,52 triệu cổ phiếu MWG (gián tiếp qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế Giới Bán Lẻ). Với mức giảm của cổ phiếu MWG, tài sản trên sàn của ông Nguyễn Đức Tài đã giảm gần 700 tỷ đồng.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh Thế Giới Di Động đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng liên quan đến chuỗi Bách Hóa Xanh khi mà thời gian qua, một số cửa hàng Bách Hoá Xanh bị cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện bán giá cao hơn giá niêm yết, vì thế nhận phải làn sóng phản đối từ người tiêu dùng trên các trang mạng xã hội.

Mặc dù Thế Giới Di Động đã có văn bản khẳng định, Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn không thể chấp nhận lý do phía Thế Giới Di Động đưa ra bởi lẽ tình hình dịch bệnh khó khăn, nhưng một số siêu thị khác vẫn cam kết giữ nguyên giá, bình ổn giá để hỗ trợ khách hàng vượt qua mùa dịch.

Họ cho rằng, việc Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng hóa là vô cảm trong bối cảnh nhiều địa phương nằm trong tâm dịch Covid-19, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Càng khó chấp nhận hơn khi trước đó ngày 22/6, Bách Hóa Xanh đã có văn bản gửi đến các đối tác mặt bằng đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm để chia sẻ khó khăn, dù tất cả cửa hàng Bách Hóa Xanh đều hưởng lợi kinh doanh trong đại dịch.

Trước đó, như Thương hiệu và Công luận đã đưa tin, từ phản ánh của người tiêu dùng, ngày 16/7, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, làm việc gần 300 cửa hàng Bách hóa Xanh tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. HCM.

Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh
Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Tiếp đến ngày 17/7, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP. Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.

Sau đó, chiều 18/7, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn so với giá niêm yết.

Hiện Cục QLTT các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, TP. Cần Thơ đều đưa chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh vào diện theo dõi, thường xuyên phải giám sát, kiểm tra để đảm bảo người dân không bức xúc.

Nguyễn Tùng - Hoàng Dương