Năm 2023, đơn vị tư vấn đã khảo sát đánh giá đối với 25 sở, ban, ngành và 11 UBND cấp huyện. Trong đó, khối sở, ban, ngành thực hiện đánh giá đối với 72 chỉ tiêu, giảm 7 chỉ tiêu so với năm 2022 và khối địa phương thực hiện đánh giá đối với 130 chỉ tiêu, giảm 32 chỉ tiêu so với năm 2022. So với năm 2022, nhóm nghiên cứu đã bổ sung các chỉ tiêu đánh giá liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, chỉ số xanh PGI, ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu khảo sát, cân nhắc bổ sung, thay đổi khung trọng số 2023.
Kết quả do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Công ty Indochinasurvey (Hà Nội) thực hiện khảo sát cho thấy, điểm trung vị (số nằm giữa một nhóm các số) của DDCI khối sở, ban, ngành tăng từ 75,99 điểm năm 2022 lên 81,34 điểm năm 2023; trong đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp và Sở Tài chính tỉnh dẫn đầu khối sở, ban, ngành của tỉnh.
Những lĩnh vực cải thiện rõ rệt đó là, vai trò người đứng đầu; tính năng động và hiệu lực của hệ thống; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẵng. Những lĩnh vực còn hạn chế, khiến doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng là, chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
Điểm trung vị của DDCI cấp huyện đạt 76,29 điểm, tăng 1,64 điểm so với năm 2022. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện chất lượng công tác điều hành kinh tế địa phương, nhất là ở các chỉ số về vai trò người đứng đầu; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Huyện Hữu Lũng dẫn đầu nhóm khối địa phương với 83,1 điểm, huyện Tràng Định đứng thứ hai với 82,69 điểm, đứng thứ ba là huyện Bắc Sơn với 78.98 điểm. Xếp vị trí cuối khối địa phương là huyện Văn Quan với 65,83 điểm. Tuy nhiên ở khối địa phương, chỉ số cạnh tranh bình đẵng; tiếp cận đất đai, tính ổn định trong sử dụng đất được đánh giá thấp, cần phải cải thiện...
Kết quả DDCI cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của lãnh đạo các cấp, đặc biệt người đứng đầu các địa phương trong tỉnh năng động và quan tâm giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp với điểm số đánh giá người đứng đầu các địa phương đều trên 9,37 điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn khẳng định: Kết quả đánh giá DDCI tỉnh Lạng Sơn là căn cứ để các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn đề nghị các đơn vị trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ: nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số PGI trong năm 2024 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại hóa; tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới về tư duy, nhận thức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng đối thoại giữa các cấp chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, các hội doanh nghiệp, tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong việc thông tin, tuyên truyền và kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh để UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Triệu Thành