Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà kiểm tra tình hình thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại huyện Cao Lộc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà (thứ 2 bìa trái) cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại huyện Cao Lộc

Sản xuất kinh doanh - khó chồng khó

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà: Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã trên địa bàn, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và giao thông vận tải.

Trước tình hình đó, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ về thực hiện các giải pháp, cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; chủ động nắm bắt những thông tin, vướng mắc của các hợp tác xã để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Theo đó, tỉnh chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã, điểm sản xuất nông nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện để hợp tác xã đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường để sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân; đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết ngày 31/7/2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 386 hợp tác xã. Trong đó, thành lập mới 42 hợp tác xã (đạt 140% kế hoạch), 4 hợp tác xã giải thể. 

Tổng số thành viên của hợp tác xã 7 tháng đầu năm là 4.550. Trong đó, số thành viên mới 350 thành viên (đạt 40% kế hoạch), không có thành viên rút khỏi hợp tác xã.

Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 8.440 người. Trong đó, số lao động thường xuyên mới là 440 người (đạt 70% kế hoạch), số lao động thường xuyên là thành viên hợp tác xã là 310 người (đạt 9% kế hoạch).

Doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/hợp tác xã (đạt 45% kế hoạch), trong đó, doanh thu của hợp tác xã với thành viên là 30 triệu đồng (đạt 48% kế hoạch).

Đối với Liên hiệp hợp tác xã: Hiện nay tỉnh có 2 Liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 13 hợp tác xã thành viên tham gia. Trong đó, có 1 Liên hiệp hợp tác xã ngừng hoạt động; 1 Liên hiệp hợp tác xã hoạt động suy giảm, doanh thu thấp, các mục tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh đề ra không đạt. 

Lũy kế số tổ hợp tác là 220. Do dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, các tổ hợp tác hầu như không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. 

Phó Chủ tịch Đoàn Thu Hà nhấn mạnh: Cũng do tác động của tình hình dịch bệnh, Lạng Sơn phải áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với các khu vực có ca lây nhiễm, việc hạn chế đi lại giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương khác, khiến nguồn hàng, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa của các hợp tác xã.

Cùng với đó, các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhu cầu về tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã bị ảnh hưởng mạnh, làm ảnh hưởng đến khả năng trả lương cho người lao động cũng như các hoạt động tài chính khác. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động duy trì và cầm chừng, không đạt được chỉ tiêu về doanh thu so với kế hoạch đã đề ra. 

Bên cạnh đó, hiện nay, có một số chính sách hỗ trợ không quy định hợp tác xã thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc thuộc diện điều chỉnh dẫn đến các hợp tác xã vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng.

Chính sách hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã còn vướng mắc về thủ tục, yêu cầu về hồ sơ, chứng từ thanh toán khiến các hợp tác xã phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tâm lý của các hợp tác xã và tiến độ thực hiện hỗ trợ.

Việc tiếp cận vốn vay gặp nhiều khó khăn do hợp tác xã còn nhỏ lẻ, thiếu năng lực, thiếu tài sản bảo đảm; chính sách đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được nhân lực giúp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Công tác chuyển đổi số còn hạn chế

Theo báo cáo, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mặc dù các chính sách hỗ trợ về khoa học, công nghệ, chuyển giao kỹ thuật đã được ban hành, nhưng số hợp tác xã tiếp cận được với các chính sách này còn rất hạn chế.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa mở rộng, phát triển được như mong muốn. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu một số vốn lớn, song việc tiếp cận được vốn đầu tư ưu đãi theo chính sách hỗ trợ về tín dung của Nhà nước đối với các hợp tác xã lại rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ về đất đai cho các hợp tác xã hiện nay còn nhiều bất cập. Quỹ đất chung của nhiều địa phương còn hạn chế, chưa được quy hoạch gọn vùng, còn manh mún, phân tán; quy định hạn mức giao đất nông nghiệp chưa phù hợp với đặc thù, phong tục tập quán đối với các tỉnh miền núi (địa hình đất dốc, gia đình chung sống nhiều thế hệ...), đời sống chủ yếu dựa vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp (trồng cây hàng năm). Do đó, không đáp ứng được nhu cầu tích tụ đất đai khi đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nguồn ngân sách hạn hẹp cũng phần nào khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư thương mại, mở rộng thị trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Từ đó, dẫn đến số lượng hợp tác xã và số kinh phí được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới còn thấp.

Đồng thời, việc chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là khái niệm mới, nên nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; năng lực trình độ am hiểu về công nghệ của một số cán bộ, công chức, người dân (nhất là những người cao tuổi) còn hạn chế.

Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa cao, hạn chế trong việc tiếp cận, sử dụng các thành tựu công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại vào hoạt động quản trị của các hợp tác xã.

Nhiều Ban quản trị, giám đốc hợp tác xã chưa thực sự dám nghĩ, dám làm trong việc đổi mới hoạt động, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, nên hầu hết các hoạt động của hợp tác xã còn mang nặng tính tập quán cũ với sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị vào sản xuất kinh doanh.

Chuyển đổi số là một bước trong quá trình ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều người nhận thức đúng đắn về vai trò, hiệu quả của chuyển đổi số để có chiến lược đầu tư thích hợp về nguồn lực, nhân lực và tài lực.

Đặc biệt, năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…

Lạng Sơn: Đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hợp tác xã bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19
Lạng Sơn đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hợp tác xã bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19

Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn

Phó Chủ tịch Đoàn Thu Hà cho biết, để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh Lạng Sơn đề xuất, kiến nghị một số nội dung: Nhà nước cần nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng bộ hóa các văn bản Luật liên quan đến phát triển kinh tế tập thể như đất đai, thuế, tín dụng.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cần được quy định chi tiết, cụ thể, có tính khả thi để các đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận. Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể giữa các cấp, các ngành một cách đồng bộ, chức năng nhiệm vụ rõ ràng, thống nhất trong việc triển khai, chỉ đạo, theo dõi tình hình phát triển kinh tế tập thể ở cơ sở.

Thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý của các hợp tác xã. Cần đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung của các chương trình đào tạo, không nên mang nặng tính lý thuyết để các hợp tác xã có thể vận dụng vào việc điều hành, quản lý, phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các hợp tác xã tích cực tham gia các chương trình phát triển hợp tác xã của Trung ương và địa phương.

Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền cho cán bộ quản lý hợp tác xã và thành viên các hợp tác xã; tạo điều kiện để các hợp tác xã được học tập kinh nghiệm của mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, điển hình, tiên tiến của các hợp tác xã khác trong và ngoài tỉnh.

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư cở sở hạ tầng, liên kết sản xuất, kinh doanh với các hợp tác xã để thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP. Cung ứng dịch vụ phục vụ thành viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên, hỗ trợ thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động sản xuất ổn định, duy trì trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách áp dụng trong thực tế nhằm tạo được động lực thúc đấy mạnh mẽ việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Huy động các lực lượng xã hội, tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn…

Nguyễn Kiên