Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phạm Ngọc ThưởngChủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phạm Ngọc Thưởng

Xin Chủ tịch cho biết khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn, năm 2019?

Năm 2019, với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng DN và nhân dân, tình hình phát triển KT - XH của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,63%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổ chức thực hiện toàn diện chương trình xây dựng NTM: Năm 2019, toàn tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đạt chuẩn lên 61 xã; bình quân 1 xã đạt 11,5 tiêu chí NTM.

Kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển: Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn ước đạt 4.750 triệu USD; hàng XK địa phương ước đạt 137,5 triệu USD (tăng 9,6% so cùng kỳ). Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 79%; có 93% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99,4% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch. Sản xuất CN ổn định, chỉ số sản xuất CN tăng 10,5%. Thương mại tiếp tục phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng; giá cả ổn định. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 6.383,1 tỷ đồng (tăng 16,3% so năm trước), trong đó, thu nội địa tăng 10,2%, thu từ hoạt động XNK tăng 21,3%.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục được nâng cao; công nhận mới 17 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt. Các chỉ tiêu cơ bản của ngành y tế đều vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; các cơ sở y tế công lập thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo nghề, giảm nghèo, tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác QP-AN được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Vậy, kết quả đạt được về công tác thu hút đầu tư của Lạng Sơn thời gian qua như thế nào?

Công tác thu hút đầu tư luôn được lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung chỉ đạo thống nhất thực hiện bằng nhiều giải pháp, như: Ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh CCHC; thực hiện chủ đề hằng năm về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và DN”; thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh trang cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI); tạo quỹ đất cho phát triển các dự án đầu tư; lãnh đạo tỉnh cam kết, đồng hành hỗ trợ, tư vấn, tạo thuận lợi cho các NĐT đến với Lạng Sơn.

Đặc biệt, trong tháng 10/2019, Lạng Sơn đã tổ chức thành công “Hội nghị xúc tiến đầu tư”. Qua đó, UBND tỉnh đã trao chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 102 dự án với tổng vốn đăng ký trên 105.000 tỷ đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục tăng qua các năm.

Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 183 dự án đầu tư trong nước với số vốn 33.862 tỷ đồng (hiện có 28 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 234,6 triệu USD). Trong đó, có một số dự án quy mô lớn, như: TTTM, khách sạn, nhà phố thương mại tổng vốn đầu tư 805 tỷ đồng; quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn tổng vốn đầu tư 3.499 tỷ đồng; dự án đầu tư hạ tầng khu trung chuyển hàng hóa tổng vốn đầu tư 3.299 tỷ đồng... Các dự án này, khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lạng Sơn.

Thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ, phát triển DN tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025”; thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh để hỗ trợ, XTĐT; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hỗ trợ các NĐT xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; tạo mặt bằng sạch để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các NĐT đến với Lạng Sơn.

Theo ông, đâu là “lực hút” để Lạng Sơn trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư?

Lạng Sơn - với những lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế cửa khẩu, tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế đồi rừng, hệ thống giao thông thuận tiện, hạ tầng KT-XH ngày càng được đầu tư đồng bộ, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư được quan tâm. Lãnh đạo tỉnh đã đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận vấn đề về thu hút đầu tư. Đây chính là những “lực hút” quan trọng để Lạng Sơn trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư.

Để làm được điều đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cùng các cấp, các ngành tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như hỗ trợ công tác GPMB, tạo mặt bằng sạch, tư vấn trình tự, thủ tục các bước lập, thực hiện dự án đầu tư… UBND tỉnh thực hiện cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, hiệu quả thông qua việc chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và DN của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số CCHC (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh trên toàn bộ các sở, ngành, UBND cấp huyện (DDCI); đưa trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt đồng; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC cho người dân và DN, nhất là các lĩnh vực đăng ký DN, đất đai, thuế, hải quan…

Từ đó, tạo được niềm tin để giữ chân và thu hút thêm nhiều NĐT yên tâm tham gia đầu tư tại tỉnh Lạng Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quyết định phê duyệt đầu tư cho các DNLãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho các DN

Chủ tịch có thể chia sẻ về một số khó khăn và giải pháp của tỉnh nhằm thu hút đầu tư trong phát triển KT-XH?

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Lạng Sơn cũng gặp không ít khó khăn trong công tác thu hút đầu tư: Hệ thống giao thông đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển (tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giai đoạn 2 chưa được hoàn thiện); trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu, mời gọi đầu tư chưa được sâu rộng, chưa tiếp cập, cung cấp được đầy đủ thông tin mà các NĐT quan tâm.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế này, trước hết, tỉnh cần đẩy mạnh công tác CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò người đứng đầu. Tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp gây phiền hà cho DN. Đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến... Đồng thời, quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án về hỗ trợ phát triển DN với mục tiêu xây dựng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập.

Đưa Quỹ phát triển đất của tỉnh vào hoạt động hiệu quả để chủ động trong công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư và tăng thu ngân sách; tích cực hỗ trợ các NĐT thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút các NĐT đến với Lạng Sơn...

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Nguyễn Kiên (Thực hiện)