Tham dự hội nghị có đại diện Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương, lãnh đạo Sở Công thương Lạng Sơn, Cục QLTT Lạng Sơn và gần 150 đại biểu đại diện cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại nhấn mạnh: Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Trong chương trình, các đại biểu được báo cáo viên thông tin về nội dung, điểm mới của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; giới thiệu pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; nhận diện hoạt động kinh doanh đa cấp bất hợp pháp.
Qua hội nghị, việc thông tin, truyền đạt các nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và chuyên đề “Tuyên truyền kiến thức về hoạt động bán hàng đa cấp, thông tin về các phương thức, cách thức bảo vệ quyền người tiêu dùng” sẽ được các đại biểu tiếp thu, tuyên truyền có hiệu quả đến từng đơn vị và người dân. Qua đó, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn phát triển bền vững, mỗi người dân thực sự trở thành nhà tiêu dùng thông thái trong giai đoạn hiện nay.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Đây là một dự án Luật quan trọng do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp, mang tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật 2023) quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật 2023 đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, Luật 2023 bổ sung thêm 1 Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 Điều lên 80 Điều.
Triệu Thành