Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Dự kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu.

Phát biểu khai mạc tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, phân tích, thảo luận đóng góp các ý kiến xác đáng vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị tại kỳ họp, để các nghị quyết được thông qua đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, có tính khả thi cao; đề xuất các giải pháp căn cơ, đột phá khắc phục hiệu qua hơn các tồn tại, hạn chế đã được nhận định đánh giá trong các báo cáo trình tại kỳ họp… vì sự phát triển chung của tỉnh và niềm tin, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Lạng Sơn thực hiện chức năng giám sát đối với UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động xem xét, thảo luận đối với các báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp trình; thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn đối với UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chuyên môn. Đồng thời thực hiện chức năng xem xét quyết định, thông qua 33 nghị quyết theo đề xuất của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.

Cụ thể, kỳ họp đã nghe các báo cáo, thuyết trình của UBND tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Lạng Sơn, tập trung vào các nội dung: kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn; tổng hợp kết quả thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu trình bày báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu trình bày báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.

Trong chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã trình bày báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.

Theo đó, năm 2023 toàn tỉnh đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết HĐND tỉnh Lạng Sơn đã đề ra; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, 653 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 130,6% kế hoạch, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước; công tác chuyển đổi số được tổ chức triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực: Sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử tăng 4,3% so với thời điểm 31/12/2022 (đứng thứ 2 toàn quốc), số giao dịch thành công tăng 4% (đứng thứ tư toàn quốc), tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số đạt 93% (đứng thứ ba toàn quốc). Báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: Kỳ họp lần này sẽ thông qua những chính sách mang tính chất đặc thù riêng của tỉnh và một số nội dung chính sách theo các quy định của Trung ương, vì vậy HĐND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu sắc, làm rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi, các giải pháp đột phá để các cơ quan chủ trì giải trình, tiếp thu trước khi HĐND tỉnh quyết nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm đề nghị HĐND tỉnh Lạng Sơn phát huy hơn nữa vai trò giám sát, bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin, tập trung vào các vấn đề nóng để kịp thời phát hiện những hạn chế trong tổ chức thực hiện, bất cập trong cơ chế, chính sách; kiến nghị cơ quan có trách nhiệm xử lý, giải quyết.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc, yêu cầu báo cáo, giải trình việc thực hiện các nội dung kiến nghị của các cơ quan, đơn vị cho đến khi có kết quả.

PV