Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Lạng Sơn đã thông tin về tình hình thị trường và tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, năm 2023, tình hình thị trường nội địa trên địa bàn ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, ép giá, găm hàng, khan hiếm hàng hóa, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường; môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định; quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp tiếp tục được bảo vệ.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tình hình diễn biến xăng dầu ổn định, qua giám sát, kiểm tra thực tế trên địa bàn toàn không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây khan hiếm hàng hoá. Không xuất hiện tình trạng xuất, nhập lậu xăng dầu tại các tuyến biên giới và trên địa bàn tỉnh. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn được duy trì thường xuyên và tăng trưởng khá do Trung Quốc đã nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu từ ngày 08/01/2023, đồng thời nới lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389 Lạng Sơn đã tổ chức triển khai nghiêm túc các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; chủ động xây dựng kế hoạch, các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sau khi giải thể Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt; các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch công tác theo chỉ đạo; thường xuyên chỉ đạo quyết liệt đối với các đơn vị trực thuộc. Qua đó, các đơn vị đã có những giải pháp ngăn chặn, xử lý tích cực, cho đến nay hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn cơ bản đã được ngăn chặn, kiểm soát.

Tuy nhiên, có thời điểm xuất hiện hiện tượng xuất lậu hàng hóa là thực phẩm đông lạnh (tai lợn, chân giò lợn, cá sấu,...) diễn ra nhỏ lẻ tại một số mốc biên giới huyện Lộc Bình, Tràng Định, Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; tình trạng vận chuyển trái phép pháo nổ được cất giấu, vùi lấp trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa thông thường với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một số vụ việc đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời.

Từ tháng 07/2023 trở lại đây, xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình. Ngày 03/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng và UBND các huyện biên giới để quyết liệt triển khai và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, từ ngày 15/11/2023 đến nay, không còn xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép gia cầm gống qua biên giới.

Về gian lận thương mại đã được các lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hành vi vi phạm chủ yếu là khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện,... lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh, hoạt động thương mại điện tử, hàng hóa quá cảnh để gian lận thương mại. Trong khu vực nội địa, việc gian lận thương mại chủ yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, đo lường.... Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số trường hợp vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ từ các tỉnh phía sau lên tiêu thụ tại địa bàn Lạng Sơn với số lượng nhỏ.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc phát biểu tại hội nghị
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Nhờ sự quyết liệt của BCĐ 389 cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố, trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 6.321 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng cấm (bằng 130,55% so với năm 2022); xử lý vi phạm hành chính 5.530 vụ (bằng 130,36% so với năm 2022). Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính trên 77,3 tỷ đồng (bằng 62,04% so với năm 2022). Lực lượng chức năng đã khởi tố 427 vụ (bằng 122,35% so với năm 2022); 613 đối tượng (bằng 122,85% so với năm 2022).

Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại như: Lạng Sơn có đường biên giới dài, đại hình phức tạp, nhân dân khu vực biên giới còn thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ để các đối tượng lợi dụng để buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu. 

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng hàng hóa được phân luồng xanh, luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế), lợi dụng các đặc thù, cơ chế chính sách của một số loại hình nhập khẩu (quá cảnh, E21, A11…) để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thuế hoặc trốn tránh chính sách quản lý hàng hóa của Nhà nước.

Công tác phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong một số loại hình kinh doanh thương mại phi truyền thống, hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, kết quả đấu tranh, ngăn chặn chưa tương xứng với tình hình diễn biến thực tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn đánh giá cao hoạt động của BCĐ 389 Lạng Sơn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các đơn vị đã tích cực chủ động quyết liệt, kịp thời xử lý các vụ việc không để diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn cơ bản đã được ngăn chặn, kiểm soát.

Dự báo năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Do vậy, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn đề nghị các Sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Các đơn vị, lực lượng thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, chiến sỹ có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu.

Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tăng cường thu thập thông tin, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở; tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, không để hình thành bãi tập kết, chứa hàng hóa nhập lậu trong khu vực biên giới; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là tại các cửa khẩu có tần suất giao thương sôi động như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma.

Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, chuyển phát nhanh... Công an tỉnh Lạng Sơn chủ động nắm chắc tình hình, hỗ trợ các lực lượng giải quyết các vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường không gian mạng, thương mại điện tử, các trang mạng xã hội; phát hiện và chia sẻ thông tin về những hành vi, thủ đoạn, đối tượng tội phạm mới...

Ngoài ra, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, biên giới không tiếp tay cho đầu nậu để vận chuyển hàng hóa trái phép.

Các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Triệu Thành