Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác khảo sát và làm việc với tỉnh Lạng Sơn về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác khảo sát và làm việc với tỉnh Lạng Sơn về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn

Đạt nhiều kết quả khả quan

Với phương châm hành động “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”, 9 tháng năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, kinh tế nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “bệ đỡ” trong phát triển kinh tế của tỉnh. Lạng Sơn luôn khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh, thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn.

Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 153 sản phẩm OCOP, trong đó 23 sản phẩm 4 sao, 130 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP của Lạng Sơn có chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại để phù hợp với yêu cầu khắt khe của thị trường và người tiêu dùng

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 0,05% so cùng kỳ.

Hoạt động thương mại phát triển đúng hướng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản được ổn định, lạm phát cơ bản được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng tăng 2,93%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi, phát triển. Tổng lượng khách du lịch và doanh thu tăng khá, vượt tiến độ đề ra. Tỉnh thu hút khoảng 3,66 triệu lượt khách du lịch (đạt 90,1% kế hoạch, tăng 5,6% so cùng kỳ); doanh thu 3.177 tỷ đồng (đạt 73,8%, tăng 16,3%).

Lạng Sơn đã phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện hồ sơ đề nghị công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được Lạng Sơn quan tâm phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục nâng cao và cải thiện toàn diện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác khảo sát và làm việc với tỉnh Lạng Sơn về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác khảo sát tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn

Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu

Tỉnh Lạng Sơn xác định: Phát triển kinh tế cửa khẩu là nhiệm vụ trong tâm, xuyên suốt. Theo đó, Lạng Sơn đã tăng cường nguồn lực, ưu tiên tối đa để phát triển các cửa khẩu trên địa bàn. Các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu được tỉnh tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm được duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ.

Tính đến ngày 29/9/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 46.362,2 triệu USD (tăng 29,5% so cùng kỳ). Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh đạt 4.005 triệu USD (tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023), trong đó xuất khẩu 1.874,1 triệu USD (giảm 8,5% so cùng kỳ); nhập khẩu 2.130,8 triệu USD (tăng 34,9% so cùng kỳ). Xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD (đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ).

Tại Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 – 1089, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) - đã mở ra cơ hội to lớn để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế cửa khẩu thuận lợi, hiệu quả hơn.

Việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa, để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn thực hiện nhiều giải pháp giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Lạng Sơn tổ chức nhiều hội nghị để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và các tổ công tác hỗ trợ đầu tư tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức kiểm tra, rà soát trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Lạng Sơn có 5.091 doanh nghiệp; tổng số vốn đăng ký 58.914 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 984 doanh nghiệp (đạt 164% kế hoạch, tăng 103% so cùng kỳ); tổng vốn đăng ký 7.835,5 tỷ đồng (tăng 105,6%). Đã có 175 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 9,3% so cùng kỳ). Toàn tỉnh hiện có 529 hợp tác xã, tổng vốn đăng ký 1.252 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, công tác thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo chặt chẽ. Tỉnh cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án (bằng cùng kỳ năm 2023), tổng vốn đầu tư 6.112,2 tỷ đồng (giảm 380 tỷ đồng so năm 2023); tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư 23 dự án, số vốn tăng thêm 579 tỷ đồng, rà soát chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 13 dự án.

Nhờ có những giải pháp, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, triệt để, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh Lạng Sơn ngày càng cải thiện, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang quan tâm cho việc đầu tư và phát triển tại Lạng Sơn...

Triệu Thành