Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, năm 2024, việc khảo sát chỉ số DDCI được thực hiện đối với 11 huyện, thành phố và 25 sở, ban, ngành. Để triển khai khảo sát, đơn vị tư vấn đã phát 5.000 phiếu khảo sát đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh (2.500 phiếu khảo sát khối sở, ban ngành và 2.500 phiếu khảo sát khối UBND cấp huyện) và thu về gần 2.100 phiếu trả lời hợp lệ. So với năm 2023, tỷ lệ hồi đáp của doanh nghiệp đạt 41,88%, cao hơn năm trước 24,72%.

Theo báo cáo kết quả Bộ chỉ số DDCI tỉnh Lạng Sơn năm 2024, đối với khối UBND cấp huyện, thành phố Lạng Sơn dẫn đầu khối UBND huyện và thành phố với 72,74 điểm (tăng 2,47 điểm và tăng 8 bậc so với năm 2023). Các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn lần lượt xếp sau với 72,21 điểm và 70,63 điểm.

Điểm đáng chú ý trong Bộ chỉ số DDCI khối UBND huyện, thành phố là các chỉ số thành phần quan trọng năm nay đạt điểm cao, mức trên 7,0 điểm như: Vai trò người đứng đầu (7,81 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (7,49 điểm) và hỗ trợ doanh nghiệp (7,26 điểm). Đối với khối sở, ban, ngành, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn là đơn vị đứng đầu trong khối với 92,26 điểm; Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ 2 với 91,38 điểm; Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 3 với 88,64 điểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn trao chứng nhận cho các đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số DDCI năm 2024
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn trao chứng nhận cho các đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số DDCI năm 2024

Kết quả khảo sát, phân tích Bộ chỉ số DDCI cho thấy, một số chỉ số thành phần như: Chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, tính năng động và hiệu lực của các sở, ban, ngành còn hạn chế, khiến doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng. Chi phí không chính thức, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, cạnh tranh bình đẳng tại các địa phương còn bị đánh giá thấp...

Bộ chỉ số đánh giá DDCI năm 2024 gồm có 10 chỉ số thành phần, tăng 1 chỉ số so với năm 2023 (ứng dụng công nghệ thông tin). Trong đó, khối sở, ban, ngành thực hiện khảo sát 9 chỉ số và khối UBND cấp huyện khảo sát 10 chỉ số. Các chỉ số thành phần bao quát các lĩnh vực hành chính có tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp chung cho cả khối sở, ban, ngành, địa phương như: Tính minh bạch và tiếp nhận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; tính năng động và hiệu lực của sở, ban, ngành địa phương; vai trò của người đứng đầu; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp cận đất đai, ổn định trong sử dụng đất và môi trường.

Từ thực tế trên, các doanh nghiệp khuyến nghị, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng liên kết như chế biến nông sản, du lịch và thương mại biên giới. Tỉnh cần tập trung vào việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội; tạo môi trường làm việc thuận lợi cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; xây dựng quy trình làm việc hiệu quả, minh bạch, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

UBND huyện, thành phố và các sở, ban, ngành cung cấp đầy đủ, kịp thời và minh bạch các thông tin về đầu tư, đấu thầu, phân bổ nguồn vốn, mức giá thị trường thuê mặt bằng đến cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn khẳng định, Bộ chỉ số DDCI tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bộ chỉ số này còn tạo sự cạnh tranh, thi đua và đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện và thành phố. Đồng thời, tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bộ máy sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện và thành phố. Kết quả DDCI 2024 là cơ sở để tỉnh nghiên cứu giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần phân tích, làm rõ nguyên nhân các chỉ số thành phần đạt điểm thấp hoặc giảm điểm; làm rõ các vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh, nêu ý kiến thông qua khảo sát Bộ chỉ số DDCI năm 2024, từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để khắc phục, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng cơ quan, chính quyền liêm chính, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, tiện lợi, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TU, ngày 23/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

Triệu Thành