Tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động
Với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, linh hoạt trong điều hành, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2024. UBND tỉnh tiếp tục xác định chủ đề, phương châm hành động của năm là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.
UBND tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo tiến độ kế hoạch; chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và khắc phục thiệt hại sau bão. Triển khai lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu; các giải pháp nâng cao năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, kế hoạch tài chính 3 năm 2025 – 2027.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chương trình, kế hoạch, phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành; đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 21 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ; trình HĐND tỉnh ban hành 102 nghị quyết tại 07 kỳ họp tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chỉ đạo xây dựng 28 Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các quy định.
Được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh uỷ, sự giám sát, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của HĐND tỉnh và các cơ quan trong hệ thống chính trị, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tổ chức kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ đã giao tạo sự chuyển biến tích cực trong thực thi nhiệm vụ, góp phần thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều điểm sáng
Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, bức tranh kinh tế xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng. Sản xuất nông lâm nghiệp ổn định, công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các dự án lớn, trọng điểm đang tiếp tục được triển khai, đặc biệt là các dự án có tính chất kết nối vùng, liên vùng; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại được mở rộng.
Kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu. Kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu tiếp tục được đầu tư hoàn thiện; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Khu trung chuyển hàng hóa và Khu chế xuất 1, khu phi thuế quan. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), đây là loại hình và phương thức mới, lần đầu được triển khai trong cả nước do đó UBND tỉnh đang tập trung tham mưu, cụ thể hóa các nội dung của đề án để triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.
Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm 1.500 lượt xe/ngày. Tính đến ngày 24/10/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 51.269,8 triệu USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh đạt 4.476,9 triệu USD, tăng 9%, trong đó xuất khẩu 2.079 triệu USD, giảm 13%; nhập khẩu 2.397,8 triệu USD, tăng 39%. Dự ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Hải Quan Lạng Sơn năm 2024 đạt 5.660 triệu USD, đạt 111% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Nhờ có những giải pháp, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, triệt để, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh Lạng Sơn ngày càng cải thiện, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang quan tâm cho việc đầu tư và phát triển tại Lạng Sơn. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, công tác thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo chặt chẽ. Cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án, tổng vốn đầu tư 6.112,2 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 26 dự án, số vốn tăng thêm 625,7 tỷ đồng. Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Toàn tỉnh Lạng Sơn có 5.139 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 59.374 tỷ đồng, 783 chi nhánh, văn phòng đại diện. Tính đến ngày 25/10/2024 có 1.044 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 174% kế hoạch, tăng 87% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 8.402 tỷ đồng, tăng 75%; có 196 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được tập trung tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả. Dự kiến hết năm 2024, Lạng Sơn có thêm ít nhất 9 xã và 15 thôn thuộc xã vùng I, II thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, dự ước tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, còn 4,02%.
Công tác chuyển đổi số tiếp tục được tập trung đẩy mạnh, duy trì là một trong các tỉnh đi đầu về chuyển đổi số trên toàn quốc. Đã hoàn thành 21/30 chỉ tiêu của mục tiêu đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Chính quyền số tiếp tục được hoàn thiện, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành góp phần tích cực trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc. Kinh tế số tiếp tục duy trì tốc độ phát phát triển, Xã hội số tiếp tục được quan tâm, triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Với những giải pháp về chuyển đổi số năm 2024 tỉnh đã được các tổ chức uy tín trong lĩnh vực truyền thông, khoa học, kỹ thuật bình chọn, trao các giải thưởng như: Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 đối với 2 giải pháp: Giải pháp Tổ Công nghệ số cộng đồng và Giải pháp chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn; giải thưởng “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024”.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được Lạng Sơn quan tâm phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục nâng cao và cải thiện toàn diện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham gia.
Du lịch tiếp tục phục hồi, phát triển, lượng khách du lịch và doanh thu du lịch tăng; tổng lượng khách du lịch ước 4,21 triệu lượt, đạt 103,8% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ; doanh thu 4.350 tỷ đồng, đạt 101,2%, tăng 38,8%. Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây chính là tiền để để Lạng Sơn phát triển sản phẩm du lịch mới (du lịch văn hóa gắn với du lịch xanh), nhằm hướng tới sự phát triển du lịch bền vững, đồng thời tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa thường xuyên cho người dân và du khách gần xa, qua đó, góp phần tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và thu hút du khách đến với xứ Lạng.
Từ những kết quả đạt được trong năm vừa qua, tin chắc rằng trong năm mới 2025, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Lạng Sơn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trong phát triển KT-XH, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.
Triệu Thành