Hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người
Tham dự buổi lễ có Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng và 700 đại biểu là đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện 22 tỉnh/thành phố trọng điểm trên cả nước về mua bán người, di cư trái phép; đại diện các tổ chức quốc tế có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện hơn 1.000 vụ, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc (chiếm 84,2% tổng số vụ), với 1.187 đối tượng (chiếm 82,9% tổng số đối tượng), lừa bán 2.319 nạn nhân (chiếm 86,7% tổng số nạn nhân). Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc như: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh, Lạng Sơn...
Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi một cách có hiệu quả loại tội phạm này, đặc biệt là hoạt động phối hợp của ngành công an với Hội LHPN các cấp. Hội LHPN Việt Nam xác định trách nhiệm của mình và đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người, từ truyền thông, giáo dục phòng ngừa đến trực tiếp hỗ trợ các nạn nhân. Nổi bật là “Ngôi nhà bình yên” được thành lập từ năm 2007 đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và theo dõi hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2019 cũng được Hội LHPN Việt Nam chọn là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với mong muốn, mỗi người dân, phụ nữ và trẻ em chung tay hành động vì một xã hội an toàn. An toàn để không có phụ nữ, trẻ em hay bất cứ ai trong cộng đồng trở thành nạn nhân của nạn mua bán người cũng là một trong những nội dung được các cấp Hội tập trung thực hiện.
Trước đó, ngày 29/7 tại Lạng Sơn đã diễn ra Hội thảo chuyên đề bàn giải pháp phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập trung bàn giải pháp về việc phòng, chống mua bán người sang Trung Quốc, chia sẻ những kết quả, khó khăn, thách thức, nguyên nhân, tồn tại, các bài học kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người tại các đơn vị, địa phương trọng điểm.
Từ đó, rút kinh nghiệm cũng như kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng trong xây dựng và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp Các hoạt động trên nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Quốc Trường