Các vị: Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có các vị: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng.
Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự hội thảo có các vị: Phó Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh: Trong các nghị quyết của Đảng, luôn quán triệt tư tưởng “Dân là gốc, sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện hoạt động ở thôn, tổ dân phố, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện mọi công việc đã trở thành một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng tham gia công tác tại cơ sở.
Những người hoạt động không chuyên trách, tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố là lực lượng thường xuyên ăn cùng dân, ở cùng dân, làm cùng dân. Đây là lực lượng gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân. Do vậy, để chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, nắm bắt những vấn đề phát sinh, giải quyết sớm ngay từ cơ sở phải dựa vào tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, nhất là trong điều kiện tỉnh miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số như Lạng Sơn, lực lượng này càng giữ một vai trò quan trọng.
Để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu tổng thể ở tất cả các thôn, tổ dân phố của tỉnh Lạng Sơn. Hiện tổng số người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có trên 21.800 người. Lực lượng này chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn hoạt động phong trào ở cơ sở; trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các công việc được giao. Một số chức danh được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ hàng tháng, còn lại không được hưởng phụ cấp, hỗ trợ...
Từ thực tế trên, cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương cần nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thôn, tổ dân phố. Việc quy định số lượng người và bố trí kiêm nhiệm một số chức danh ở thôn, tổ dân phố đảm bảo ổn định, trên cơ sở giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền...
Tại Hội thảo, 14 tham luận của các nhà khoa học, đại diện một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực miền núi phía bắc và nội dung của hơn 100 bài viết tham luận gửi về Ban Tổ chức Hội thảo đã khẳng định: Tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố có vị trí, vai trò không thể thiếu, không thể thay thế của thôn, tổ dân phố - nơi lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với từng người dân. Đồng thời phân tích, làm rõ vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay...
Phát biểu kết luận hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định:
Các tham luận tại hội thảo đã làm nổi bật vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; vị trí, vai trò không thể thiếu, không thể thay thế của thôn, tổ dân phố, nơi lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với từng người dân; vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; tổng hợp làm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố, qua đó làm sâu sắc tính tất yếu phải nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố các địa phương miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.
Các bài phát biểu đã nêu bật những kinh nghiệm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hoạt động của thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm kiện toàn các chức danh hoạt động không chuyên trách và lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở; kinh nghiệm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ở cơ sở; kinh nghiệm phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thế mạnh con người… Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý, những cách làm hay, sáng tạo và gợi mở nhiều hàm ý chính sách để Lạng Sơn có thể chọn lọc để xây dựng chủ trương, chính sách và cách làm phù hợp với đặc thù của tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, có nhiều bài viết và ý kiến phát biểu đã nêu lên các giải pháp và kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn hiện nay. Đây sẽ là nguồn số liệu và căn cứ sát hợp để Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc và sử dụng cho việc tham mưu, đề xuất của đề tài.
PV