Lạng Sơn có trên 231 km đường biên giới quốc gia trên đất liền với Trung Quốc, với địa hình phức tạp, nhiều lối tắt, các đối tượng vận chuyển hàng qua biên giới chỉ là nhỏ lẻ của từng người dân. Song họ đã lợi dụng, dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi để đối phó việc kiểm tra, kiểm soát buôn lậu như áp sát hàng hóa ngay đường biên giới, mở thêm các đường mòn mới để vượt qua các điểm chốt chặn, tổ chức lực lượng ngăn cản lực lượng chức năng, mang vác hàng lậu vào ban đêm, qua các khu vực khó kiểm soát...
Sau khi hàng vào nội địa, các đối tượng lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ của pháp luật về hóa đơn chứng từ vận chuyển về phía sau qua các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 279.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ ngành liên quan và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành tăng cường sự phối hợp để ngăn chặn, kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các địa bàn biên giới có diễn biến phức tạp về buôn lậu, các tuyến đường thường có hoạt động vận chuyển hàng lậu về các tỉnh phía sau.
Đã ban hành nhiều quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gồm: Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định 19/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh với BCH Bộ đội biên phòng về chống buôn bán, vận chuyển tiền Việt Nam giả qua biên giới; Quy chế phối hợp giữa Cục Hải quan với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới.
Bên cạnh đó, Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh với Cục Quản lý thị trường trong kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Quy chế phối hợp giữa Đài Phát thanh - Truyền hình với Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh, các lực lượng chức năng để tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã thực hiện hàng loạt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới như sau: Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức cho phù hợp với địa bàn, đối tượng. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đã có đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả theo hướng sâu, rộng, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của buôn lậu. Nhân dân các xã, thôn biên giới được ký cam kết không tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng buôn lậu cho chủ hàng qua biên giới.
Nhân dân ở các nơi khác tới tạm trú, lao động tại khu vực biên giới được Bộ đội biên phòng phối hợp với Công an tổ chức phối hợp rà soát, tuyên truyền giáo dục về các quy định của pháp luật liên quan đến chống buôn lậu, các quy định về tạm trú, tạm vắng, về hoạt động xuất nhập cảnh…Tuyên truyền cho một số thương binh không được lợi dụng các chính sách được Nhà nước ưu tiên, để lợi dụng phương tiện giao thông vận chuyển hàng lậu về phía sau tiêu thụ. Tổ chức triệt phá nhiều đường dây buôn lậu, tụ điểm chứa chấp hàng lậu ngay từ khu vực biên giới
Trong đó, Đối với công tác ngăn chặn ở khu vực biên giới: Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở duy trì tổ chức chốt chặn 24/24 tại 21 lán trên các khu vực biên giới nhạy cảm, rào bằng dây thép gai tại hàng chục điểm đường mòn với chiều dài trên 1,3 Km trên tuyến biên giới, tăng cường lực lượng, phương tiện, chó nghiệp vụ tuần tra các đường mòn không có chốt chặn, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép gắn với chống buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Tổ chức thực hiện các kế hoạch bắt giữ hàng hóa nhập lậu.
Cục Hải quan tỉnh phối hợp với Bộ đội biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ theo từng địa bàn; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro, đảm bảo kiểm soát đối với các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, điều chỉnh lực lượng giữa các đơn vị để ưu tiên tăng cường lực lượng cho hoạt động kiểm soát chống buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm.
Trong nội địa: Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (Cục Quản lý thị trường) đã tập trung tham mưu chỉ đạo, tổ chức các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ, các tuyến đường bộ, đường sắt, nhất là các địa bàn trọng điểm ở các huyện như Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình... phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng cấm...
Trong những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán đã tăng cường lực lượng quản lý thị trường và phương tiện, trực 100% quân số trong ngày thường và 50% quân số trong ngày nghỉ để phối hợp với các lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm tra, xử lý việc vận chuyển hàng lậu vào nội địa.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nội địa đấu tranh, xử lý các phương tiện vận chuyển, triệt phá các điểm tập kết hàng hóa nhập lậu; cử cán bộ tham gia phối hợp kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường giao thông; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các chuyên án về vận chuyển ma túy, pháo nổ, tiền giả, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý hóa đơn đối với các hộ kinh doanh liên quan đến thu mua gom hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam, tập trung ở địa bàn thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc và xã Tân Thanh huyện Văn Lãng; chỉ đạo các Chi cục Thuế quản lý chặt chẽ việc xuất hóa đơn, chứng từ trên địa bàn tỉnh.
Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện biên giới đã tổ chức các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là nhân dân ở khu vực Biên giới không tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên, trực tiếp đi kiểm tra tại các cửa khẩu, địa bàn các xã, thị trấn biên giới trọng điểm, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đôn đốc các lực lượng thực hiện tốt công tác phối hợp theo từng thời điểm, từng chuyên đề; trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, bắt giữ một số vụ buôn lậu ngay tại biên giới.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền huyện, xã biên giới trong tổ chức thực hiện, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2018 vừa qua trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế.
Trong năm 2018, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.344 vụ (bằng 135,6% so với năm 2017); xử phạt vi phạm hành chính 4.435 vụ (bằng 109,2% so với năm 2017); tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 27.415,7 triệu đồng (bằng 107,8% so với năm 2017); phạt bổ sung, truy thu thuế 35.478,7 triệu đồng (bằng 152,8% so với năm 2017)....
Tuy nhiên, trong công tác chống buôn lậu, tỉnh đang gặp một số khó khăn, hạn chế đó là: Điều kiện địa hình phức tạp, đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối tắt qua lại nên gây rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát; một số quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường chưa được chặt chẽ nên bị lợi dụng; lực lượng, trang thiết bị chuyên dùng của các lực lượng chức năng còn thiếu,...
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới sẽ tiếp tục còn nhiều diễn biến phức tạp. Để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các Bộ ngành trung ương để làm tốt hơn, một số giải pháp đó là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan; Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên khích lệ tinh thần cho cán bộ, công chức, chiến sỹ trực tiếp nhiệm vụ chống buôn lậu;
Đảm bảo thực hiện việc điều động, thay đổi vị trí cán bộ phù hợp để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác buôn lậu.
PV