Nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch kiểm tra tháng an toàn thực phẩm năm 2025 của Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai, Đội QLTT số 05 đã triển khai đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh.
Kết quả của đợt kiểm tra cho thấy, Đội QLTT số 05 đã tiến hành rà soát 20 cơ sở kinh doanh và phát hiện, xử lý 4 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 51 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng đã buộc tiêu hủy số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 50 triệu đồng, bao gồm thực phẩm chức năng, sữa, lạp xưởng và hàng giả mạo nhãn hiệu.

Một số vụ việc điển hình đã được xử lý bao gồm: ngày 22/4, phát hiện 261kg lạp xưởng không rõ nguồn gốc tại KCN Bắc Duyên Hải, xử phạt 25 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 31 triệu đồng; ngày 7/5, kiểm tra hộ kinh doanh Trần Thị Thủy (TP. Lào Cai), phát hiện 35 đôi dép giả mạo nhãn hiệu GUCCI và CROCS, xử phạt 10 triệu đồng; ngày 14/5, xử lý hai cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa và đồ ăn sẵn không rõ nguồn gốc tại TP. Lào Cai là TAPAN SHOP và cửa hàng tạp hóa Quang Huy, tổng trị giá hàng vi phạm hơn 15 triệu đồng.
"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm": Kết quả ấn tượng
Trong khuôn khổ "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025, Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng loạt các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ ngày 15/4 đến 15/5/2025, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 54 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý 48 vụ vi phạm với tổng giá trị xử lý trên 460 triệu đồng (235 triệu đồng tiền phạt và 225 triệu đồng giá trị hàng hóa tiêu hủy).

Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm điều kiện an toàn thực phẩm và niêm yết giá. Hàng hóa tiêu hủy bao gồm đa dạng các mặt hàng như sữa, thực phẩm chức năng, lạp xưởng, tăm cay, cánh gà, bột ớt, táo đỏ, trà hoa cúc, bánh kẹo và nhiều sản phẩm khác.
Trong thời gian tới, Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng và các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để quản lý địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Thành Nam