Chợ truyền thống đã đóng góp rất lớn trong việc cung ứng, lưu thông trao đổi mua bán hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên một số chợ ở khu vực nông thôn, vùng cao quy mô nhỏ, cơ sở vật chất sơ sài, xuống cấp; còn thiếu trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; việc đầu tư xây dựng chợ nhưng không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả vẫn còn. Để khắc phục Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh.
 
Công văn nêu rõ, UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát đánh giá thực tế nhu cầu cảu từng đia phương trước mắt ưu tiên xem xét đầu tư các chợ đang hoạt động có hiệu quả nhưng chưa được đầu tư hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp hoặc quá tải, những chợ tại các khu dân cư có nhu cầu bức thiết về chợ; phân theo giai đoạn đầu tư đối với từng chợ để làm cơ sở bố trí nguồn vốn hoặc kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ.
 
Sở Công Thương cần kiểm tra, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh hàng hóa lương thực, thực phẩm thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ tạo sự đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết trong khu vực chợ.
Nâng cao công tác quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Nâng cao công tác quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí các nguồn vốn được giao quản lý thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa chợ theo từng giai đoạn và hàng năm. Đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút các nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển chợ của tỉnh Lào Cai.
 
UBND tỉnh Lào Cai cũng giao cho các ban ngành cụ thể; Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện đúng quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại các điểm kinh doanh trong chợ; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh tại chợ có các hành vi: Kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về chất lượng đo lường, an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo quy định của pháp luật…
 
Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và phát triển chợ trên địa bàn. Tập trung thực hiện tốt Công bố công khai các dự án xây dựng chợ, kế hoạch sử dụng đất chợ nhằm công khai trong việc kêu gọi đầu tư, sửa chữa nâng cấp, cải tạo, di dời, giải tỏa chợ. Lập kế hoạch, phân kỳ đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa chợ trên địa bàn theo quy hoạch và triển khai tổ chức thực hiện; chủ động bố trí ngân sách địa phương kết hợp với ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn, chợ vùng cao.
 
Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về việc để phát sinh chợ tự phát trên địa bàn quản lý. Tích cực phối hợp các phòng, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh; phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát, các địa điểm kinh doanh không đúng quy định nhằm từng bước chỉnh trang đô thị. Phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật tại các chợ, thực hiện các biện pháp về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn.
Đỗ Biên