Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, các DTTS cư trú xen kẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng. Đặc điểm này đã tạo nên tính đa dạng, phong phú, đặc trưng trong không gian văn hoá.

Nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng.

Bên cạnh đó, thành phố Lào Cai cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động nhân dân nhằm nâng cao chất lượng dân số, phòng chống trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi. Chính vì vậy công tác dân số và phát triển luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và các cơ quan chuyên môn.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nơi hội tụ của 13 dân tộc với 25 nhóm ngành dân tộc gồm nhiều thành dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số toàn tỉnh (Trong đó dân tộc Hmông chiếm 26%; dân tộc Tày chiếm 15%; dân tộc Dao 14%; dân tộc Giáy 4,3%; dân tộc Nùng 4,3%; còn lại là các dân tộc khác như: Hà Nhì, Phù Lá, Sán Chay, Bố Y, La Chí…).

Sau khi có kế hoạch 130-KH/TU về thực hiện Nghị quyết 21 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới”, tỉnh Lào Cai đã ban hành một loạt Kế hoạch, văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 169-KH/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; Kế hoạch số 158/KH-TU về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “Nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” hay Đề án số 03 – ĐA/TU ngày 28/10/2019 của Thành ủy Lào Cai về việc xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố giai đoạn 2020-2025...

Bên cạnh đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh; Thành ủy về công tác dân số và phát triển, UBND thành phố Lào Cai cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2010-2020 và giai đoạn 2021-2025. Hằng năm trên cơ sở các văn bản thực hiện giai đoạn, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện chỉ tiêu giao về công tác dân số và phát triển phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.

Đồng chí Ngô Vũ Quốc – Phó chủ tịch UBND thành phố Lào Cai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 03 năm mô hình“Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại xã Tả Phời.
Đồng chí Ngô Vũ Quốc – Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 03 năm mô hình“Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại xã Tả Phời.

Chú trọng các hoạt động nâng cao chất lượng dân số

Để dần thay đổi nhận thức của nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa, nhằm nâng cao chất lượng dân số. Giai đoạn 2010 – 2016, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tập trung chủ yếu vào mục tiêu giảm sinh (kế hoạch hóa gia đình), công tác truyền thông còn chưa đa dạng. Sau khi Nghị quyết 21 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành chuyển trọng tâm từ “dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển” công tác truyền thông, được đa dạng hình thức.

Kết quả, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức 85 Hội nghị truyền thông với 11.496 lượt người tham dự (Tăng 6,5 lần so với số liệu thống kê năm 2016). Ngoài ra, riêng tại thành phố đã thành lập 15 mô hình câu lạc bộ “ Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”; “Tư vấn khám sức khỏe trước kết hôn cho vị thành niên/thanh niên”... tại 13/17 xã, phường.

Về việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hàng năm số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ sàng lọc một số bệnh thường gặp lũy kế tăng khoảng 8%. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai, trong nửa đầu năm 2024, đã có 9.336 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, đạt 70,6% kế hoạch được giao.

Về công tác phòng chống tảo hôn, trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi

Trong những năm qua, đã có nhiều CLB được thành lập như: CLB “Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống” tại xã Tả Phời và Thống Nhất; CLB “Tư vấn khám sức khỏe trước kết hôn” tại phường Duyên Hải và Bình Minh hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các buổi tuyên truyền, hội thi tìm hiểu kiến thức dân số/ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ phổ biến kiến thức cũng như làm rõ tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cân huyết với đa dạng hình thức cũng đã thu hút được đông đảo sự quan tâm.

Kết quả, được sự chỉ đạo vào cuộc sát sao của các cấp và sự đổi mới trong công tác truyền thông về công tác dân số và phát triển đặc biệt là phòng chống tảo hôn, trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi giai đoạn 2017-2025 đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo số liệu thống kê, năm 2017 xảy ra 04 vụ tảo hôn; 71 trường hợp trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi. Đến năm 2023, toàn thành phố không còn tình trạng tảo hôn, số trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi giảm còn 17 trường hợp.

Thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 duy trì không có trường hợp tảo hôn trên địa bàn thành phố, ngăn chặn thành công 02 trường hợp có dấu hiệu sống như vợ chồng (chưa đủ tuổi kết hôn); số trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi là 05 trường hợp.

Đại diện các thôn ký cam kết tại Hội nghị sơ kết 03 năm mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”
Đại diện các thôn ký cam kết tại Hội nghị sơ kết 03 năm mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”

Những giải pháp được đặt ra

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, để đẩy mạnh hơn nữa công tác nâng cao chất lượng dân số, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn thì công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn là nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên; trong đó cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, trưởng các thôn, bản người dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định rằng, họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống;  phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, có khả năng làm thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào.

Bốn là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, các ban ngành của thôn, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do vẫn còn cả nể chưa thực sự xử lý nghiêm với người vi phạm chính sách.

Năm là, bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chương trình, chính sách, dự án hiện hành về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đặc biệt tại các xã/phường vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với những khu vực có các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số còn thấp, có các cơ chế chính sách, các khu công nghiệp nhằm thu hút nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cuối cùng, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chủ động, tích cực trong công tác truyền thông, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số đặc biệt chú trọng phòng, chống trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi.

Nguyễn Mạnh