Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về CCHC trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh Lào Cai năm 2023.

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện Lào Cai có 27 cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, gồm 19 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh Lào Cai, 01 đơn vị Bộ phận Một cửa UBND thành phố Lào Cai, 03 đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn; 02 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công. Tỷ lệ thủ tục hành chính được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 70,62%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 76,75%; số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,73%.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết 175.790 nghìn lượt hồ sơ, tiết kiệm được trên 700 tỷ đồng; nhận được sự đánh hài lòng về việc giải quyết TTHC trong tất cả các lĩnh vực của người dân và doanh nghiệp, đạt 99,4%.

Về cải cách chế độ công vụ, từ khi triển khai thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU đến nay, đã có tổng số 96 cán bộ lãnh đạo, quản lý được xem xét sắp xếp, điều động, luân chuyển. Cụ thể, năm 2021 là 34 người; năm 2022 là 38 người; năm 2023 là 24 người.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, toàn tỉnh đã triển khai 1.562 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.562 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đạt 100%.

Lào Cai triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số PaPi
Lào Cai triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số PaPi

Theo báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai đã thực hiện cắt giảm đối với 951/1.929 TTHC, đạt 49,3%; trong đó có khoảng 17.000 lượt hồ sơ được thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp được khoảng 18 tỷ đồng; đã thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 12 sở, ban, ngành, chi cục; sáp nhập, giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Đặc biệt, Lào Cai là tỉnh đầu tiên thực hiện đồng bộ việc đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cho cả 3/3 đơn vị sự nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông; triển khai thử nghiệm, thí điểm các nền tảng số như: Nền tảng cửa khẩu số; Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; Nền tảng giáo dục tổng thể;

6 tháng đầu năm tỷ lệ hồ sơ công việc  trong các cơ quan hành chính Nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Trong đó, cấp tỉnh đạt 97,4%; cấp huyện đạt 87,86%; cấp xã đạt 97%. Việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử triển khai ở cả 4 cấp. 

Những kết quả trên đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước, như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác cải cách TTHC của cơ quan, đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Theo đó, trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh Lào Cai có chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) thuộc nhóm thấp trong các tỉnh, thành phố của cả nước (năm 2021 đứng thứ 49/63, năm 2022 đứng thứ 52/63). Kết quả trên phản ánh hiệu quả thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; số lượng hồ sơ giải quyết TTHC chậm muộn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; có đơn vị, địa phương còn lơ là, chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức. Hiện nay, phần mềm dịch vụ công của tỉnh còn phát sinh nhiều lỗi ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hồ sơ TTHC cho công dân; nhiều phần mềm chuyên ngành chưa tích hợp liên thông với cổng dịch vụ công dẫn đến khó khăn, mất thời gian trong giải quyết TTHC.

Cùng với đó, tình trạng thiếu nhân lực về CNTT, nhất là chuyên gia về chuyển đổi số địa bàn tỉnh; một số đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT, an toàn thông tin mạng. Một số phần mềm dùng chung, chuyên ngành còn chưa đồng bộ, tích hợp, việc nâng cấp còn chậm chưa đáp ứng đủ các chức năng theo quy định dẫn đến khó khăn cho công tác triển khai, ứng dụng, như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tỉnh Lào Cai, Cổng dịch vụ công của tỉnh...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công và CCHC của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các thành viên Ban chỉ đạo tập trung rà soát các nhiệm vụ để tìm giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác CCHC; chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ CCHC, gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ của cơ quan Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đề nghị ngành Tài nguyên và môi trường cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, không để tình trạng nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tham gia TTHC.

Các cơ quan đơn vị, địa phương cần quan tâm đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra về CCHC của cấp ủy đảng, người đứng đầu UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc triển khai từng nhiệm vụ CCHC, chú trọng với 5 nội dung gồm: Thể chế phải kịp thời; TTHC không để chậm muộn, không nhũng nhiễu; cơ sở vật chất thực hiện đầu tư đầy đủ; chú trọng nguồn lực cấp xã và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong thực hiện các TTHC.

Hải Minh