Theo kế hoạch dự kiến, năm 2013, TP. HCM sẽ đào tạo khoảng 16.000 lao động nông thôn (LĐNT). Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ khó cán đích khi đã gần hết năm, số LĐNT mới đạt 2/3 kế hoạch năm.


Thí điểm nhiều mô hình…

Tại thành phố (TP) hiện có 20 trường, trung tâm và các cơ sở đào tạo tại các địa phương, dạy nhiều ngành nghề cho các LĐNT. Trong thời gian từ năm 2010 - 2012, TP đã hỗ trợ ngân sách đào tạo nghề cho LĐNT với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Đồng thời, việc thí điểm nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp của TP tại các huyện ngoại thành đã mang lại một số kết quả bước đầu.

Tại huyện Hóc Môn, UBND xã Xuân Thới Thượng đã tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng rau an toàn, thu hút 121 lao động nông nghiệp tham gia và triển khai vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức được 18 mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị với 678 lao động tham gia.

Cần Giờ cũng có mô hình sản xuất muối sạch theo phương pháp kết tinh muối trên ruộng trải bạt do chi Cục phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Lý Nhơn và hợp xã muối tiến thành tổ chức. Điểm mới của mô hình là người học cũng là những người trực tiếp làm công việc này đã áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất giúp tăng năng suất muối lên 1,76 lần so với phương pháp thông thường.

Không chỉ có sự vào cuộc từ đoàn thể tại các quận, huyện trong việc mở ra những mô hình kinh tế mới, trong những năm qua, đã có nhiều DN bắt tay vào đào tạo kỹ năng cho lao động khu vực vùng ven. Điển hình là mô hình liên kết tuyển dụng và đào tạo nghề của Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam và Công ty TNHH Pro Kingtex Việt Nam với Trung tâm Dạy nghề quận Bình Tân. Mỗi năm, trung tâm này đào tạo thêm tay nghề cho hàng nghìn lượt công nhân. Công ty TNHH Giày Da Viễn Thịnh cũng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè trong việc đào tạo nhằm cung ứng lao động có tay nghề cho DN này.

Thiếu sức hút

Thực tế, vài năm trở lại đây, việc đào tạo nghề cho LĐNT đã có nhiều chuyển biến, góp phần triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề tại các quận, huyện ngoại thành giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, dạy nghề vẫn còn thiếu sức hút đối với đa số thanh niên khu vực nông thôn.

Theo ông Lê Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận Bình Tân thì hàng năm trung tâm đều triển khai công tác tuyển sinh những học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở học nghề miễn phí tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề bằng nguồn kinh phí của quận Bình Tân. Bên cạnh đó, những học viên này còn được hỗ trợ thêm số tiền 5 triệu đồng/năm nhưng kết quả không được như mong đợi. Trung bình mỗi năm, trung tâm chỉ tuyển được dưới 10 học viên. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phần lớn thanh niên cho là không muốn học vì trường quá xa nhà.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính khiến LĐNT chưa mặn mà với việc học nghề lại bắt nguồn từ hạn chế trong công tác đào tạo nghề tại các trung tâm, trường nghề. Điều này cũng được ông Lê Trọng Sang, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM khẳng định: “Công tác dạy nghề cho người lao động chưa đáp ứng kịp yêu cầu, việc triển khai phần nào còn lúng túng và chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; Thiếu định hướng dài hạn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Ở nhiều nơi, dạy nghề chưa chú trọng tới yêu cầu về chất lượng cũng như đòi hỏi đặt ra từ phía DN. Một số cơ sở dạy nghề còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị không đáp ứng đủ yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ…

Việc thiếu sức hút từ các trường nghề trong việc đào tạo tay nghề cho LĐNT chắc chắn sẽ dẫn tới kế hoạch đào tạo 16.000 LĐNT trong năm 2013 của TP. HCM khó hoàn thành. Để nâng cao chất lượng đào tạo LĐNT, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và thị trường lao động TP. HCM cho rằng: Việc đào tạo cần phải phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Các trường, cơ quan chức năng cũng phải làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh những năm cuối cấp.

Hoàng Phương