Lập đoàn giám sát tài sản Giám đốc Công an Đà Nẵng Lê Văn Tam - Hình 1

Ngôi nhà của Đại tá Lê Văn Tam

Ngày 22-6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng do ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, Sơn Trà.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà, cử tri Hoàng Ngọc Lan hỏi về việc vừa qua thành phố đã yêu cầu đại tá Lê Văn Tam, giám đốc Công an TP Đà Nẵng giải trình về ngôi nhà được dư luận cho rằng có trị giá 100 tỉ đồng, vậy đã có kết quả thế nào.

Ông Nghĩa nói: "Nhà anh Tam, có thông tin định giá bây giờ là 100 tỉ đồng. Nhưng anh giải trình là ở thời điểm anh mua ngôi nhà đấy chỉ có giá trị là 10 tỉ đồng chẳng hạn. Vậy thì cũng khó nói anh Tam lấy đâu ra 100 tỉ đồng để mua nhà. Có thể trong quá trình mua bán bất động sản, trong một thời gian, giá trị nhà đất tăng lên, giá trị tài sản tăng lên như thế".

Ngoài ra, ông Nghĩa nói thêm: "Về tài sản của đồng chí Tam, hiện nay Ủy ban Kiểm tra của chúng ta đang phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương thành lập đoàn giám sát. Khi có kết quả sẽ thông báo. Tôi khẳng định là việc công khai các kết quả trong quá trình làm của Đảng hiện nay không có vùng cấm nào, không có điểm nào mật cả".

Trước vấn đề cử tri đề nghị công khai tên cán bộ được qui hoạch làm lãnh đạo chủ chốt để dân giám sát phòng chống tham nhũng, ông Nghĩa nói: "Tôi hoàn toàn đồng ý, tham nhũng chỉ xảy ra ở những ông có chức, có quyền. Ở Đà Nẵng đề nghị cử tri giám sát thường trực Thành ủy, đứng đầu là bí thư, các ông thường vụ Thành ủy và các ông trong Ban chấp hành Đảng bộ. Ở hệ thống chính quyền thì các ông ở thường trực UBND, giám đốc sở. Đó là những cơ quan dễ gây ra tham nhũng nhất".

Ông Nghĩa cho biết hiện Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang xem xét các quy định của Đảng để làm sao các cá nhân trong Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ này bổ sung cho nhiệm kỳ sau có thể công khai để người dân giám sát.

"Tránh tình trạng cứ vào quy hoạch rồi thì không ra. Các ông cứ rung đùi, chạy bằng được vào quy hoạch rồi thì yên tâm. Làm sao giữa nhiệm kỳ có người vào, người ra và phải coi việc đó là bình thường. Đây là bệnh trầm kha. Vào thì không ra, lên thì không xuống" -  ông Nghĩa nói.

Hạnh Nguyên (Theo Tuổi trẻ)