Đó là, không để lễ hội có trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau; không có ăn xin, ăn mày; không đọc loa, chèo kéo khách; không lấn chiếm lòng, lề đường, bán hàng sai nơi quy định; không thu phí gửi xe trái phép. Đồng thời, giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng ngành, địa phương; đơn vị nào không hoàn thành, người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên TH&CL, thì việc thống nhất đó chỉ là hình thức, bởi trên thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực, còn du khách có góc nhìn không thiện cảm về khu di tích này.
Phát loa gây phản cảm
Vừa đến bãi gửi xe, du khách cảm thấy chói tai bởi nhà đền Đức Thánh Cả (địa phận thuộc huyện Ứng Hoà) phát loa hết công suất với nội dung “Xin kính chào quý khách, đền Đức Thánh Cả thuộc thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Là ngôi đền cổ nổi tiếng linh thiêng, đã được du khách thập phương trong và ngoài nước biết đến, đền Đức Thánh Cả được xây dựng hơn 1,500 năm và đã được Nhà nước xếp hạng di sản văn hoá cấp Quốc gia. Hàng năm, đã đón hàng chục vạn khu khách thập phương về lễ thánh.
Ban tổ chức lễ hội đền Đức Thánh Cả xin thông báo tới quý khách, khi về tới bến xe thuộc địa danh huyện Kim Bảng (Hà Nam), khi xuống xe mời quý khách rẽ tay phải, qua cổng chính đi thẳng vào khu nội tự của nhà đền để viết sớ (?) Nhà đền có tổ chức một tổ chuyên viết sớ bằng chữ nho, với đồng sớ riêng của nhà đền từ cổ xưa để lại (?) với giá quy định của BTC là 6.000đ/lá sớ, nhà đền có đầy đủ tiện nghi phục vụ du khách về tu lễ, vậy xin kính mời quý khách đi thẳng vào đền để viết sớ. Lưu ý quý khách không nên viết sớ ngoài bãi xe, cũng như các nơi ngoài quy định của Ban tổ chức lễ hội (?). Chúc quý khách cùng gia quyến an khang thịnh vượng và vạn sự cát tường”.
Đồng thời, loa của đền Trình (địa danh thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) cũng phát hết công suất, mở nhạc lễ hội để nhắc nhở du khách, trước khi vào đền Đức Thánh Cả thì phải vào đền Trình trước…
Thêm nữa, loa của Chùa Hàm Long cũng đồng thanh tụng kinh. Cả 3 chiếc loa đều phát hết công suất, khiến du khách cảm thấy chói tai rất khó chịu.
Đến khoảng 12h trưa, khi vắng khách cả 3 chiếc loa kia tạm dừng khoảng 15 phút. Ngay lập tức, nhà hàng Ngọc Yến lại phát loa với nội dung “Về đền Đức Thánh Cả lễ, lễ xong rồi mời quý khách rẽ vào quán Ngọc Yến thưởng thức cháo chai, bún ốc thơm ngon, bổ ích, giá chỉ có 20.000đ/bát, muốn ăn một lại ăn hai, ốc nóng đồng quê thơm ngon mát bổ”.
Nhiều người dân sống cạnh ngôi đền phàn nàn “Chúng tôi sống gần đây khổ lắm, trong 3 tháng hội, cứ từ 6h sáng đến 9h tối, chúng tôi bị tra tấn cả ngày vì mấy chiếc loa đó, cứ 1 chiếc mở là đồng thanh cùng mở, lúc nào vắng khách thì cùng dừng, nhưng cũng chỉ nghỉ một lát, rồi lại đồng thanh, ầm ĩ cả ngày đến thủng màng nhĩ mất, cạnh tranh nhau thế này chỉ khổ người dân….”
Khay đựng tền đặt vô tội vạ
Các cụ bà luôn đứng túc trực để đề nghị du khách bỏ tiền vào hòm hoá sớ
Xem tay, đoán tướng, dịch quẻ
Dịch vụ đổi tiền lẻ
Nhiều hình ảnh không đẹp mắt
Du khách vừa đến, đã có nhiều người chạy theo để mời đổi tiền lẻ. Thậm chí, có người còn bám theo du khách để mời sắp lễ. Ghi nhận ngay cạnh bãi gửi xe, một cụ ông khoảng 70 tuổi kê một bộ bàn ghế nhựa, đặt một tấm biển “chuyên xem tay, đoán tướng, dịch quẻ”. Còn lối đi chính vào khu đền Đức Thánh Cả, hai bên nhà dân bày bán hàng tràn lan, lấn chiếm ra lòng đường, những hình ảnh “nhếch nhác” này cũng làm cho du khách không mấy thiện cảm.
Tại bãi xe ngoài cổng đền, du khách phải trả 20.000đ/xe máy, 50.000đ/ô tô. Tuy nhiên, vé không được phát hành theo quy định của cơ quan thuế. Việc thu như vậy là trái quy định, vậy số tiền này ai đã thu và những ai được hưởng?
Thương mại hoá tận thu nơi di tích
Khuôn viên trong nội tự đền Đức Thánh Cả tuy không rộng, nhưng có nhiều dãy bàn ghi công đức, nhiều khay đĩa đựng tiền và hòm công đức, điều này trái với Luật di sản. Thậm chí, những con hổ đá, ngựa đá, núi non bộ dựng lên cũng để khay đựng tiền…
Cá biệt, tại 2 lò hoá vàng, khi du khách có nhu cầu đến hoá vàng, tại mỗi điểm có 4 đến 5 cụ bà mặc quần áo nâu luôn đứng túc trực, bên cạnh là chiếc hòm đựng tiền có ghi “hòm hoá sớ” và bên trên là một khay đựng tiền, mỗi khi có du khách vào hoá sớ, các cụ đồng thanh tụng kinh và a di đà phật. Khi hoá sớ xong, các cụ đề nghị du khách bỏ tiền vào hòm. Nhiều du khách tỏ vẻ e ngại khi không đặt tiền, còn có người đặt rồi nhưng trong lòng cảm thấy không vui.
Tại các bàn ghi công đức, cả 3 nơi (nhà đền, chùa) đều mời gọi du khách, việc mời gọi quá nhiệt tình làm cho nhiều du khách cảm thấy ngại ngùng khi không có điều kiện để làm công đức.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ, có chế tài đủ mạnh để chấm dứt tình trạng trên. Đã đến lúc cần xây dựng văn hóa tâm linh nơi di tích, trả lại di tích về với đúng giá trị thực, phát triển du lịch tâm linh nhưng phải đảm bảo được cuộc sống của người dân, cũng như đáp ứng được nhu cầu của xã hội./.
Thanh Bình