Lễ hội đền Gióng - không còn cảnh phản cảm
Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người Anh hùng Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).
Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, Sóc Sơn) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm - một trong những lễ hội lớn và quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Mùa lễ hội, năm nào Khu di tích Lịch sử đền Sóc cũng thu hút hàng chục vạn du khách thập phương và phật tử khắp nơi tụ hội.
Lễ hội năm 2018: Vào khoảng 7 giờ sáng 21/2, dân làng các thôn tại huyện Sóc Sơn tập hợp thành các đoàn tế lễ chuẩn bị chờ tới lượt dâng lễ lên sân rồng, đền Thượng. Sau đó, lễ hội được chính thức khai hội bằng lễ dâng hương, màn đánh trống khai hội và đọc văn tế của các bậc chủ lễ.
Lễ hội đón nhận 8 lễ vật - được các xã trong huyện Sóc Sơn cung tiến. Lần lượt là giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Giò hoa tre là một trong 8 lễ vật được các địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn cung tiến vào dịp lễ hội. Những năm qua, việc phát giò hoa tre cho nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm, đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, đôi khi là cả tranh cướp vẫn diễn ra, khiến hình ảnh lễ hội bị ảnh hưởng. Để bảo đảm lễ hội diễn ra văn minh, trang nghiêm, BTC Lễ hội Gióng năm 2018 đã quyết định thay đổi phương thức triển khai, trong đó nổi bật là bỏ phân đoạn cướp lộc hoa tre.
Theo đó, sau lễ cung tiến, giò hoa tre được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, không di chuyển xuống khu vực đền Hạ và tổ chức phát lộc như mọi năm. Thay vì đưa giò hoa tre vào rồi rước ra để tranh cướp, giò hoa tre lần này được đưa vào hậu cung đền Thượng để “cướp kín” sau đó mới mang ra phát lộc cho mọi người một cách trật tự, không xảy ra tranh cướp.
Nghi lễ rước giò hoa tre
Trước đó, BTC Lễ hội đền Sóc đã gặp gỡ người dân địa phương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để trao đổi nhằm tìm ra phương án phù hợp nhất giúp giải quyết triệt để tình trạng tranh cướp lộc tại lễ hội. Số lượng giò hoa tre năm nay cũng được chuẩn bị nhiều hơn mọi năm để có thể phát lộc cho đông đảo du khách tham gia lễ hội.
Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết: “Năm nay, BTC đã thay đổi hình thức rước giò hoa tre của thôn Vệ Linh và rước giò hoa cau của thôn Đan Tảo, sau khi đã tạ lễ cho tiến cung, BTC và nhân dân phát lộc ở 3 nơi, đền Thượng, đền Mẫu, đền Trình…
Nguyễn Kiên