Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng phát triển cây chè cả về số lượng và chất lượng. Cho đến nay diện tích chè hiện có là 21.573 ha, dự ước năng suất chè bình quân chung đạt 114 tạ/ha (tăng 1,2 tạ/ha), sản lượng chè búp tươi ước đạt 218 nghìn tấn, tăng 3,4% so với sản lượng năm 2016 và bằng 102,8% kế hoạch cả năm. Đặc biệt, sản phẩm chè Thái Nguyên hiện tiếp tục gây tiếng vang trên thị trường quốc tế với 01 giải đặc biệt trong cuộc thi chè đặc sản quốc tế; nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 có 02 sản phẩm chè Thái Nguyên được lựa chọn làm quà tặng; đó là sản phẩm Tuyết Hương trà của Hợp tác xã Chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ) và Đinh Tâm trà của Hợp tác xã Chè La Bằng (Đại Từ).
Tỉnh Thái Nguyên dự kiến từ nay đến năm 2020 đầu tư trên 220 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng. Còn lại là các nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nguồn vốn khác để triển khai đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè. Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác. Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khi dự Lễ hội khẳng định: “Hương sắc Trà Xuân- Vùng chè đặc sản Tân Cương” và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ngày 26.2. “Cây chè giữ vị trí số 1 hoàn toàn nhất trí nhưng tỉnh Thái Nguyên phải có tầm nhìn, chiến lược, đề án tổng thể để ngành hàng chè trở thành trụ cột, nhân lõi không cho nông nghiệp nữa mà phải là nhân lõi của một kết cấu nền kinh tế dịch vụ du lịch tương lai”. Bộ trưởng cho rằng Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” là một hoạt động văn hóa đặc sắc gắn với du lịch và sản xuất nông nghiệp truyền thống. Theo Bộ trưởng, chè Thái Nguyên nổi tiếng cả nước và trên thế giới. Lễ hội hội nhằm tôn vinh cây chè và quảng bá, giới thiệu về thế mạnh, giá trị của chè đặc sản Tân Cương với du khách trong và ngoài nước.
Khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết, thành phố có 1.200 ha chè với nguồn thu bình quân đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Riêng vùng chè đặc sản Tân Cương đạt tới 600 - 800 triệu đồng/ha. Những năm qua, thành phố Thái Nguyên đã hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất chè, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè tập trung, gắn công nghiệp chế biến với các sản phẩm trà nổi tiếng của địa phương; hỗ trợ kinh phí mua máy móc phục vụ chế biến, phun tưới chè; khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn… Nhờ đó, các sản phẩm chè của địa phương ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Thi rước cây chè cổ, thi sao chè, vò chè bằng phương pháp thủ công...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thưởng thức trà tại Lễ hội
Ngoài ra, Thành phố hỗ trợ xây dựng liên kết với một số chợ tiêu thụ, điểm du lịch, thưởng thức văn hóa chè Thái Nguyên tại không gian văn hóa chè tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và các làng nghề trồng, chế biến chè, các điểm dừng chân trong các tour, tuyến du lịch làng nghề đến các vùng chè đặc sản của tỉnh như: Tân Cương, La Bằng, Điềm Mặc, Vô Tranh, Tức Tranh, Trại Cài...
Theo đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ: quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi phù hợp với cơ cấu loại sản phẩm đối với từng huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời, gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 3.900 ha tại Tp.Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hoá, Võ Nhai, thị xã Phổ Yên;...Đề án cũng đặt mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trồng mới, trồng thay thế 4.400 ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao. Mỗi năm hỗ trợ chứng nhận trên 300 ha chè an toàn sản xuất theo theo quy trình VietGAP (hoặc GAP khác), hỗ trợ và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 50 cơ sở/năm.
Bên cạnh đó, xây dựng và quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên, phát triển nhanh mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn gắn với phát triển hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị...
Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương khẩn trương chuyển đổi giống theo hướng ưu tiên thay thế giống chè trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên. Phát triển chè giống mới, nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Xác định cơ cấu giống chè, trong đó chè trung du chỉ chiếm 20% diện tích, các giống mới như: LDP1, Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Phúc Vân Tiên, TRI 777, Bát Tiên, Hương Tích Sơn... chiếm 80% diện tích, hàng năm sản xuất khoảng 40 triệu cây giống phục vụ trồng mới và trồng thay thế.
Tỉnh Thái Nguyên chủ trương phát triển mạnh thương hiệu chè Thái Nguyên trên cơ sở phát huy lợi thế, sức cạnh tranh của sản phẩm về số lượng, chất lượng và giá cả, phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện đặng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng một số chợ đầu mối, điểm du lịch, thưởng thức văn hóa chè Thái Nguyên tại không gian văn hóa chè tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và các làng nghề trồng, chế biến chè, các điểm dừng chân trong các tour, tuyến du lịch làng nghề đến các vùng chè đặc sản của tỉnh như: Tân Cương, La Bằng, Điềm Mặc, Vô Tranh, Tức Tranh, Trại Cài...
Thái Nguyên được biết đến không chỉ là mảng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạnh, An toàn khu kháng chiến mà còn được biết đến bởi đặc sản “Đệ nhất danh trà”. Sản phẩm chè Tân Cương hương vị đặc trưng riêng đã làm lên thương hiệu chè nổi tiếng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Vùng chè đặc sản Tân Cương và cũng là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan.
Những nương chè được quy hoạch theo mô hình sản xuất
Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” diễn ra tại Không gian Văn hóa trà Tân Cương, thành phố Thái Nguyên là dịp để tôn vinh nghề chè, tạo mối giao lưu của những người trồng, sản xuất, chế biến và yêu thích trà Tân Cương, Thái Nguyên. Lễ hội là cầu nối giao thương giữa các vùng, miền và những người sản xuất, chế biến sản phẩm trà trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, quảng bá hình ảnh cây chè và sản phẩm trà Tân Cương với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Hoàng Thiệp