![Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội có quy mô bậc nhất ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội có quy mô bậc nhất ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/20/2-1710888658.jpg)
Ngày 19/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường chủ trì hội nghị rà soát công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 đã cơ bản hoàn tất. Công tác lễ tân, hậu cần, tôn giáo, thông tin quảng bá được các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện đúng theo nội dung kế hoạch đề ra.
Ban tổ chức đã duyệt chương trình nghệ thuật của chùa Quán Thế Âm; chỉ đạo xây dựng các chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc, bế mạc và chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội đảm bảo chất lượng.
![Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/3/2024 đến 29/3/2024 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20 tháng 02 năm Giáp Thìn tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/3/2024 đến 29/3/2024 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20 tháng 02 năm Giáp Thìn tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/20/le-hoi-quan-the-am-1-0935-1710888727.jpg)
Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động, gồm cả phần lễ lẫn phần hội, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 đến 29/3 với hơn 30 hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao. Dự kiến, lễ hội có 6 gian hàng trưng bày và biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; trưng bày 47 tác phẩm cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Non nước Ngũ Hành Sơn năm 2024.
Đối với giải đua thuyền truyền thống, hiện có 4 thuyền nam đến từ các quận, huyện: Hòa Vang, Sơn Trà, Hải Châu, Liên Chiêu và 4 thuyền nữ của quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê.
Theo đó, lễ hội sẽ có thiết trí lễ đài Quán Thế Âm, lễ khai mạc, rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát. Lễ hóa trang Long, Phụng, Quán Thế Âm Bồ tát, dâng mâm hoa, ngũ quả nghệ thuật.
Ngoài ra, còn có lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công chúa; lễ tế Xuân cầu Quốc thái Dân an và diễu hành xe hoa chào mừng lễ hội.
Phần hội có hội Cờ Làng, kéo co, hội ho hát; dua thuyền truyền thống; hội thi các bộ môn thơ, nhạc, họa, thi tạc tượng Quán Thế Âm bằng đá Non Nước cùng hoạt động iểu diễn ca múa nhạc truyền thống: Múa rối, múa lân, nhảy sạp, gian hàng trò chơi dân gian…
Dịp này, ban tổ chức trưng bày các tác phẩm Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Non nước Ngũ Hành Sơn, năm 2024; tổ chức triển lãm tranh thủy mặc và thư họa về hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm của họa sĩ Giang Phong; trình diễn trực họa, ký họa về Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/20/1-1710888785.jpg)
Đặc biệt, có tọa đàm về phát huy giá trị Lễ hội Quán Thế Âm và các di sản văn hóa trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; hoa đăng và lửa trại…
Lễ hội Quán Thế Âm là Lễ hội được tổ chức thường niên, là điểm đến hấp dẫn của phật tử, người dân, khách thập phương đến tham dự, chiêm ngưỡng, trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Lễ hội còn là một trong những sự kiện dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của TP. biển Đà Nẵng, nơi kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn; là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc trên thế giới.
Đình Lương