Quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng sáng 29/03
Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng sáng 29/3

Những ngày tháng 3 rực rỡ tại thành phố biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, những ngày này của 49 năm trước là những ngày tháng hào hùng với một cuộc tấn công thần tốc để đến ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024).

Trước ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng

Tôi còn nhớ rất rõ vào những ngày trước khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng (29/3), hơn 10 ngày trước, tại thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ người từ Mỹ Chánh (gần Quảng Trị), Thừa Thiên Huế... di tản về Đà Nẵng đến mức quá tải, từ đường phố, đến các chợ nội thành, xe cộ tấp nập. Đặc biệt, tại nhà công cộng, các trường học,… đều cho học sinh nghỉ, nhường chỗ để người di tản trú ngụ, đi đâu cũng thấy từng nhóm người tụ lại bàn chuyện đi tiếp Sài Gòn, vì khả năng thành phố Huế sẽ mất kiểm soát của quân đội Sài Gòn, quân Giải phóng sẽ tiến về thành phố Huế, rồi đến Đà Nẵng…

Trước ngày 27- 28/3, ban ngày thì cảnh xô bồ, đi đâu cũng nghe thấy người di tản đến, trên đường Hùng Vương, Thống Nhất (Lê Duẩn bây giờ) phố chính của Đà Nẵng xe quân cảnh, xe cảnh sát công lộ và lực lượng cảnh sát dã chiến thường xuyên chạy trên đường và phát loa kêu gọi mọi người trật tự…

 Lễ chào mừng giải phóng Đà Nẵng
Lễ chào mừng giải phóng Đà Nẵng

Trước ngày giải phóng thành phố Huế (26/3) trên Đài phát thanh Đà Nẵng lúc đó các chương trình phát thanh, chừng 15 phút là có lời kêu gọi của Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 1, ông Trưởng được lệnh phải giữ bằng được Huế. Trong tình hình này, ông Trưởng tuyên bố: “...phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế”. Còn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì tuyên bố trên đài Sài Gòn: “Bỏ Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Đà Nẵng, Huế, Quân khu 3 sẽ phải giữ đến cùng”.

Đà Nẵng mất an ninh về đêm

Đà Nẵng lúc bấy giờ rất hoảng loạn và hoang mang, trên đường phố Đà Nẵng rất nhiều nhóm tàn quân như: Thủy quân lục chiến, dù, biệt động quân và vô số lính bộ binh tháo chạy trước ngày thành phố Huế dưới sự kiểm soát của quân giải phóng.

Về đêm, nhất là trong 2 đêm từ 27- 28/3, số tàn quân này chia thành nhiều nhóm để cướp phá tài sản người dân, từ 6 giờ tối là chúng đi đến từng nhà, yêu cầu đưa tiền, trên người ai đeo vàng chúng đều lấy sạch, còn những nhà ngay phố chính họ đều đóng kín cửa sắt, chúng gõ cửa yêu cầu mở, nhưng người dân tuyệt đối không mở, rồi chúng xả súng bắn ngay vào khóa để mở cửa. Là người chứng kiến một cảnh tại nhà tôi, đêm đó 28/3, mới 6 giờ tối, một nhóm 4 người, mặc đồ lính thủy quân lục chiến, trên vai mang huy hiệu tiểu đoàn Trâu Điên tiến vào nhà tôi, lúc đó trong nhà đang ăn cơm tối, một tay to mập, rất đen, trên hai tay đều xăm hình, lúc đó nó tiến tới cha tôi đưa tay lấy chiếc đồng hồ hiệu Rolex đang đeo trên tay, rồi vội vàng quay ra sợ quân cảnh đi tuần bắt gặp.

Đêm 28/3, gần như lực lượng quân cảnh, cảnh sát… chỉ đi tuần với tư cách trấn an người dân, không hùng hậu như cách đó 10 ngày…

Sáng 29/03 giải phóng Đà Nẵng
Sáng 29/3/1975, giải phóng Đà Nẵng

Sáng 29/3 giải phóng Đà Nẵng

Tôi còn nhớ rất rõ, lúc đó chừng 8 giờ 30 sáng, người dân thành phố Đà Nẵng xôn xao, nơi nào cũng có người tụ tập thành từng nhóm bàn tán, nghe nói quân giải phóng đang tiến vào Đà Nẵng, trên những con phố chính lúc này, số tàn quân bắt đầu lo sợ và biết quân Giải phóng chuẩn bị vào, đi đâu cũng thấy áo quần quân đội, giày, mũ sắt, súng, đạn…của quân đội ngụy quyền vất đầy trên vỉa hè, lòng đường, số tàn quân lại vào nhà dân xin áo quần để đổi thay sắc phục.

Đúng 9 giờ, từ xa đã nghe tiếng loa phóng thanh, đi đầu là đoàn xe Jeep của Giáo hội phật giáo Đà Nẵng và nhiều đoàn xe kế tiếp chở quân Giải phóng rầm rộ một đoàn dài, tiếng loa phóng thanh yêu cầu những quân nhân, quân lực Việt Nam cộng hòa bỏ súng và trình diện ngay với chính quyền địa phương để được khoan hồng, hai bên lề đường từ Ngã ba Cai Lang (Lý Thái Tổ bây giờ) chạy dài xuống Hùng Vương, Ông Ích Khiêm người dân chen chân, đứng nhìn và chào đón quân Giải phóng vẫy tay, trong niềm hân hoan đồng ca Việt Nam Hồ Chí Minh!

Đến trưa cùng ngày, nhà nhà đều treo cờ giải phóng, nơi nào cũng bán cờ giải phóng và hình ảnh Bác Hồ kính yêu…

Hình ảnh nhà chồ dọc sông Hàn trước năm 1997
Hình ảnh nhà chồ dọc sông Hàn trước năm 1997

Khi giải phóng thành phố Đà Nẵng xong, về sau tôi càng hiểu rõ bản chất của chính quyền Mỹ - Ngụy từng tồn tại ở đây. Cùng một thành phố nhưng bờ Tây sông Hàn là trung tâm kinh tế, nhà cửa khang trang, đời sống thượng lưu của giới quý tộc thuộc chính quyền Mỹ - Ngụy; còn phía bên kia sông Hàn là những dãy nhà “chồ”, khu nhà tạm xập xệ, trên mặt nước của dân lao động, người nghèo khổ. Khung cảnh đối nghịch của hai bên bờ sông Hàn thêm thôi thúc tinh thần người chiến sỹ Giải phóng quân…

Hoàng Hữu Quyết