Già làng Bling Hạnh (trái) giới thiệu bộ trang phục làm bằng vỏ cây
Đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Nam Giang), sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ bao đời đã biết dùng các vỏ cây rừng làm quần áo che thân, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của núi rừng. Nguyên liệu chủ yếu là những loại cây như trơ ra dang, tà coóng và tà dúir hoặc cây mít rừng để làm, bởi vỏ các loại cây này mềm, dai và bền.
Đồng bào thường khai thác các loại cây có kích thước lớn, cắt thành khúc ngắn, sau đó lột vỏ, đập mỏng, phơi khô, gấp lại làm đôi, khoét lỗ làm thành cổ áo. Áo vỏ cây không chỉ giúp đồng bào chống chọi cái lạnh, mà còn thích nghi với một số hoạt động như đi khai thác song mây, cắt lá lợp nhà, hoặc mỗi khi đi săn bắt thú rừng.
Ông Bling Chiu, 58 tuổi, thôn Công Dồn, (xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho biết: “Đời ông cha chúng tôi làm gì có vải để may quần áo, làm gì có chăn để đắp mỗi khi mùa đông đến? Để khắc phục những khó khăn, thiếu thốn đó, ông cha đã lấy vỏ cây để làm áo, váy, tấm choàng, tấm đắp, chiếu…
Lúc đầu, người ta thường sử dụng các loại cây trơ ra dang, tà coóng và tà dúir hoặc cây mít rừng, nhưng về sau họ thường sử dụng các loại cây hơ mớt, hơ mon, hơ doong, chrơ đangơ duông, ta đuých… để làm các loại trang phục.
Để chắp nối các mảnh vỏ cây lại, người ta dùng dây gai hoặc cây bhơ nương để làm chỉ khâu. Riêng những tấm chăn, chiếu, tấm choàng thì dùng dây gai kết nối nhiều tấm nhỏ lại để thành tấm lớn hơn theo nhu cầu”.
Ông Bling Chiu trong bộ trang phục làm bằng vỏ cây
Già làng Bling Hạnh, thôn Công Dồn, (xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho biết, có được bộ trang phục làm bằng vỏ cây này thường là những người thuộc tầng lớp “khá giả” trong làng. Nhưng từ khi nghề trồng bông, dệt vải của người Cơ Tu phát triển thì loại trang phục vỏ cây ít khi được sử dụng.
Chỉ có một số ít người nghèo khổ, sống độc thân, không có điều kiện trồng bông, dệt vải hoặc không có gì để đổi lấy bông vải làm quần áo thì mới chịu mặc vỏ cây. Ngày nay, đời sống phát triển, giao thông đi lại được thuận tiện, ít ai còn sử dụng những bộ đồ bằng vỏ cây trong sinh hoạt hàng ngày, mà chỉ mặc khi trong làng có lễ hội như một nghi thức truyền thống để nhớ về cội nguồn.
Để làm thành một bộ đồ bằng vỏ cây, phải mất từ 5 – 7 ngày, tùy loại vỏ cây mềm hay cứng. Thời gian đầu tư nhiều nhưng người Cơ Tu (huyện Nam Giang) vẫn làm để tái hiện trang phục cổ xưa này vào mỗi dịp lễ hội.
“Việc làm đó, không chỉ nhớ về cội nguồn, mà còn là dịp giáo dục cho thế hệ trẻ về nỗi khó khăn, thiếu thốn, sự sáng tạo của cha ông để con cháu trân trọng giá trị cuộc sống” - già làng Bling Hạnh tự hào.
Mộc Thảo