Đại diện nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt nhận giải thưởng
Sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự giải từ 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Nhiều tác phẩm dự thi đã được đầu tư công phu về nội dung và hình thức thể hiện. Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được Bộ phát động nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc viết về sự nghiệp giáo dục; tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, lan tỏa những đóng góp của ngành giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 71 tác phẩm nổi trội về đề tài, nội dung, hình thức thể hiện vào chấm Vòng chung khảo. Kết quả là các thành viên Ban giám khảo Hội đồng chung khảo đã thống nhất 100% trao giải cho 44 tác phẩm xuất sắc.
Nhà báo Lê Thị Hằng (VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam), đại diện nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt cho biết: Tác phẩm “Chuyện về những người thầy thắp lửa” kể về đôi vợ chồng nhà giáo vượt lên mọi khó khăn, vất vả bám trường, bám lớp để “gieo chữ” cho học sinh vùng khó; câu chuyện của một nhà giáo mang trong mình căn bệnh, cô nặng có 18kg, nhưng sẵn sàng mở lớp học miễn phí cho các em nghèo.
Cô giáo Kim Thị Minh, nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm “Chuyện về người thầy thắp lửa” chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi những đóng góp của mình được ghi nhận. Tuy nhiên, đây cũng là động lực, là trách nhiệm để tôi phấn đấu hơn trong nghề và những dự định phía trước. Đây là món quà ý nghĩa lớn đối với tôi nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Trong hạng mục giải B, có 2 nhà báo chiến sĩ đạt giải là nhà báo Nguyễn Viết Lam (Báo Biên phòng) và nhà báo Vũ Thị Hồng Linh (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội). Đó là những tác phẩm được ghi lại cuộc sống của học sinh và những hy sinh thầm lặng của người “đưa đò” tại những vùng khó, ngành khó của Tổ quốc
Loạt bài “Điểm tựa vững chắc học sinh vùng khó” được nhà báo Nguyễn Viết Lam hoàn thành sau quá trình nhiều năm trăn trở, ghi nhận thực tế sự chuyển biến tích cực của ngành giáo dục ở các huyện phía tây Nghệ An. Đồng thời cũng nói lên những bất cập còn tồn tại trong việc việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách đối với giáo viên, học sinh ở các trường học bán trú vùng cao.
Tác phẩm “Trên những giảng đường mây” của nhà báo Hồng Linh và Nguyễn Thị Nhi kể về những giảng viên bay ở Trường Sĩ quan Không quân. Những người thầy đã giúp các thế hệ sinh viên khơi niềm đam mê bầu trời. Niềm đam mê ấy lớn dần lên và kết thành lý tưởng mà mỗi người lính bay đều tâm niệm và gọi tên là: “Bảo vệ vùng trời Tổ quốc”. Song trên những giảng đường mây ấy, những người thầy dạy bay và học trò của mình cũng luôn phải đối diện với biết bao hiểm nguy trong những giờ học và những bài huấn luyện...
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, những thông tin về giáo dục được phản ánh đầy đủ, kịp thời trên báo chí đã giúp cho những chủ trương, chính sách, đổi mới về giáo dục đến với dư luận xã hội. Báo chí trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được bày tỏ ý kiến và tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách giáo dục. Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương giáo viên, học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chính thức phát động giải thưởng báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2020 và hy vọng rằng, giải thưởng trong những tiếp theo sẽ thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí trong cả nước; ghi nhận và vinh danh xứng đáng sự nỗ lực tìm tòi, công sức, cống hiến của mỗi người làm báo với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
PV