Chiều 13/5, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn được xác định là trong quá trình người lao động làm việc, lò bị sạt lở khiến các công nhân bị vùi lấp.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn lao động trên xảy ra vào khoảng 15h ngày 13/5, tại phân xưởng khai thác 7 của Công ty than Quang Hanh - TKV (ở Cẩm Phả, Quảng Ninh), khiến 3 công nhân tử vong và 1 người bị thương.

Khu vực khai trường Công ty Than Quang Hanh - TKV (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) - nơi xảy ra sự cố tai nạn hầm lò làm 3 công nhân thiệt mạng.
Khu vực khai trường Công ty Than Quang Hanh - TKV (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) - nơi xảy ra sự cố tai nạn hầm lò làm 3 công nhân thiệt mạng.

Trước đó, khoảng 0h20' ngày 3/4, tại gương lò XV5-140 số 2, Phân xưởng Đào lò 2 tại Công ty Than Thống Nhất - TKV (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra tai nạn lao động làm 4 công nhân tử vong, 7 công nhân khác bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do cháy nổ khí metan.

Vào khoảng 18h30 ngày 21/12/2023, tại khu vực khai thác than của Công ty Than Cọc Sáu cũng xảy ra sự cố tụt lở khiến 2 người tử vong,6 người bị thương.

Cách đây 9 tháng trước, khoảng 19h20 ngày 26/8/2023 tại thượng vận chuyển số 3 đào từ lò thượng +50/+80 vỉa 5, khu Cánh gà, phân xưởng khai thác 3, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) cũng xảy ra vụ tai nạn trong hầm lò khiến 4 công nhân thiệt mạng.

Trước những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến khai thác than trong hầm mỏ, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc quản lý, kiểm soát nguy cơ rủi ro cũng như công tác đảm bảo an toàn lao động.

Một công nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả
Một công nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả

Theo các chuyên gia, những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân được cho là lặp lại từ các vụ việc từng xảy ra nhiều năm trước đây có thể xuất phát từ sự chủ quan, lơ là trong quản lý an toàn lao động.

Ngoài ra, việc phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn lao động từ phía cơ quan quản lý còn rất hạn chế, tần suất thanh tra thấp nên thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm.

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động đề nghị cần sớm khắc phục những “lỗ hổng” về kỷ luật, quy định an toàn lao động.

“Điều 6 và Điều 7 của Luật vệ sinh an toàn lao động quy định có trách nhiệm đảm bảo an toàn, xây dựng quy trình quản lý, bố trí người giám sát, xây dựng các nội quy, tập huấn huấn luyện, phải có phương án đảm bảo an toàn lao động, cứu hộ cứu nạn. Những vụ việc vừa nêu rõ ràng nó không được thực thi trong thực tế thì các cấp quản lý của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, người lao động đang chịu thiệt thòi lớn và điều này cần được xử lý để không tái diễn các vụ tai nạn tương tự”.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm sẽ có khoảng 230 nghìn người bị tai nạn lao động, gây thiệt hại kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tai nạn lao động diễn biến phức tạp còn ảnh hưởng tới môi trường sản xuất bền vững, tới sức hút đầu tư nước ngoài và việc thực thi các cam kết về lao động của nước ta trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước.

Ở các nước trên thế giới, công tác đảm bảo an toàn lao động được thực hiện bằng cách phân định cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân và liên đới từng người, từng khâu trong các bộ phận có liên quan nếu để xảy ra mất an toàn lao động rất rõ ràng. Lực lượng thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của người lao động, khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo thì yêu cầu khắc phục ngay. Còn chủ sử dụng lao động một khi vi phạm quy định pháp luật, không có phương án an toàn lao động dẫn đến tai nạn chết người sẽ bị chế tài nghiêm khắc, ngoài phạt nặng có thể bị xử lý hình sự.

Hậu quả thương tâm và tàn khốc từ tai nạn lao động là điều mà chúng ta đã thấy. Vậy nên, đảm bảo an toàn lao động không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu suông, mà cần được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực để có thể giảm thiểu các vụ việc đau lòng như đã xảy ra thời gian qua.

Hầm lò nơi xảy ra vụ cháy khi mê tan làm nhiều công nhân thương vong
Hầm lò nơi xảy ra vụ cháy khí metan làm 11 công nhân thương vong tại công ty than Thống Nhất. Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 4 người tử vong và 7 người bị thương xảy ra ngày 3/4/2024 tại Công ty Than Thống Nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, điều tra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Công điện của Thủ tướng chỉ đạo rõ việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh.Tuy nhiên, sau hơn một tháng chỉ đạo của Thủ tướng thì đến chiều 13/5, tình trạng mất an toàn lao động trong khai thác hầm lò một lần nữa được tái diễn với hậu quả vô cùng nghiêm trọng khi 4 người thương vong. Với hậu quả nặng nề này, thiết nghĩ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần phải chỉ đạo các công ty, đơn vị thành viên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra mất an toàn lao động tại đơn vị mình quản lý.

Ngọc Linh