Động thái chiến thuật của Trung Quốc?

Hôm 16/9/2021, Trung Quốc chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một khối thương mại có 11 nước thành viên và được ca ngợi là đặt ra "một tiêu chuẩn mới cho thương mại và đầu tư ở một trong những khu vực năng động nhất và phát triển nhanh nhất thế giới".

Hội nghị CPTPP vào tháng 3/2018. Ảnh: Tân Hoa xã.
Hội nghị CPTPP vào tháng 3/2018. Ảnh: Tân Hoa xã.

Đáng chú ý, CPTPP - gọi tắt là Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ban đầu hình thành dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhưng người kế vị của ông Obama - Donald Trump, đã lập tức rút Mỹ khỏi hiệp định này, để cho 11 nước còn lại phải tự lo định hình lại khối này.

Dù thời gian qua, khối này bị dư luận hiểu như một khối "bài Trung Quốc", trên thực tế các nước thành viên luôn khẳng định rằng CPTPP là một "hiệp định mở, dành cho các bên" và rằng "chúng tôi hoan nghênh các bên cùng quan điểm gia nhập".

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ xem xét gia nhập CPTPP. Chưa đầy một năm sau đó, Bắc Kinh đã chính thức xin gia nhập hiệp định này.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, cho rằng việc nộp đơn xin gia nhập này củng cố "vị thế lãnh đạo thương mại toàn cầu" của Trung Quốc" và khiến cho Mỹ "ngày càng bị cô lập".

Nhiều rào cản đối với Trung Quốc

Mặc dù vậy, thực tế phức tạp hơn nhiều. Vì Trung Quốc khó đáp ứng được các tiêu chuẩn cao do CPTPP đặt ra. Các tiêu chuẩn đó không chỉ bao gồm việc xóa bỏ thuế quan mà còn cả các quy định về tiếp cận thị trường, quyền của người lao động, và mua sắm của chính phủ.

Về lý thuyết, Trung Quốc có thể chấp nhận các điều khoản ngặt nghèo hơn của CPTPP như một điều kiện cần thiết để gia nhập. Một số nhà phân tích, đặc biệt là bên trong Trung Quốc, lập luận rằng áp lực này có thể là cách để khởi động lại các cải cách nội bộ đầy khó khăn của Trung Quốc như những gì đã từng diễn ra trong quá trình Trung Quốc gia nhập WTO.

Tuy nhiên, một số đòi hỏi của CPTPP có thể ảnh hưởng đến chủ trương của Trung Quốc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, như trong vấn đề công đoàn. Tương tự, CPTPP cũng có nhiều điều khoản chặt chẽ về vấn đề trợ cấp cho doanh nghiệp quốc doanh và các thỏa thuận mua sắm công khai của chính phủ, cho phép nước ngoài tham gia cạnh tranh.

Nhật Bản - Chủ tịch CPTPP năm nay, cũng đã gửi đi tín hiệu lưỡng lự. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nói với phóng viên rằng "cần xác định xem liệu Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực cao của CPTPP hay không".

Có một số ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách pha loãng các tiêu chuẩn cao này thông qua quá trình làm thành viên, hay nói một cách màu mè hơn là "moi ruột CPTPP từ bên trong". Nhưng không rõ liệu các nước thành viên CPTPP khác có đồng ý để chuyện đó xảy ra hay không. Có thể không còn nhiều yêu cầu pha loãng CPTPP để phù hợp với Trung Quốc, đơn giản vì gần như tất cả các nước thành viên đều đã có các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh rồi.

Hiện có một sự trùng lắp lớn về thành viên giữa CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại khổng lồ khác có sự tham gia của Trung Quốc. Các thành viên của CPTPP như Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, và Việt Nam đều có các hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc thông qua RCEP và do vậy họ có thể không còn tha thiết tái định dạng CPTPP chỉ để nhét Trung Quốc vào. Tương tự, Chile và Peru cũng đều có các hiệp định thương mại tự do song phương với Trung Quốc.

Như vậy ngoài các nước trên thì trong CPTPP chỉ còn lại hai nước là Canada và Mexico nhưng hai nước này cũng có những vấn đề riêng với việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - tái đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Trump, chứa đựng một điều khoản đặc biệt, đó là bất cứ nước nào trong 3 nước thành viên của khối này phải thông báo cho các nước còn lại nếu muốn tham gia đàm phán thương mại với một "nền kinh tế phi thị trường". Khi đó bất cứ nước nào trong 2 nước còn lại có thể đơn phương rút khỏi USMCA. Nhiều nhà quan sát - bao gồm cả giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, tin rằng điều khoản này được cố ý tạo ra nhằm ngăn Canada và Mexico ký một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, từ đó giúp hàng hóa Trung Quốc có "cửa hậu" để dễ dàng xâm nhập thị trường Mỹ.

Như vậy Trung Quốc có nhiều trở ngại lớn khi muốn gia nhập CPTPP. Tuy nhiên việc họ xin gia nhập có ý nghĩa biểu tượng, rằng đây là bằng chứng về việc họ cam kết theo đuổi tự do thương mại và các thỏa thuận song phương. Nhưng nếu Trung Quốc không thực sự sẵn lòng tiến hành các công việc cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP thì biểu tượng đó cũng sẽ nhanh chóng mờ nhạt đi.

Đã vậy Trung Quốc không phải là sự lựa chọn duy nhất cho khối CPTPP mở rộng thành viên. Anh Quốc cũng đang đàm phán để được gia nhập CPTPP. Ngoài ra, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, và Thái Lan đều bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập hiệp định thương mại này./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch