THCLChỉ cần gõ trên Google, rất nhiều trang web nhận dạy học, đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ các khung bậc, trình độ. Tìm hiểu được biết, hầu hết các trường, trung tâm này đều không có chức năng đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực tiếng Anh 6 bậc áp dụng tại Việt Nam.
“Ma trận” đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tại Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hà Nội 1 (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội), một cán bộ cho biết, đây là đơn vị tạo nguồn để thi chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu của ĐH Vinh, ĐH Thái Nguyên. Thời gian ôn, có thể kéo dài trong 3 tháng, lệ phí ôn và thi là 5,5 triệu đồng.
Theo thông tin PV có được, Công ty CP Giáo dục đào tạo trực tuyến Slearning (số 19 Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, Cầu Giấy), không có chức năng cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực tiếng Anh 6 bậc, nhưng vẫn tích cực tuyển sinh ở khắp các vùng ven Hà Nội. DN này về tận các địa phương, xin được dấu của địa phương và mang đi khắp các trường mời gọi giáo viên học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để được nâng lương, nâng bậc (?). DN phố biến đến các học viên, rằng “đã liên kết với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) để đào tạo và cấp chứng chỉ” và “chỉ cần ôn luyện 1 buổi là có thể tổ chức cho học viên thi lấy chứng chỉ” (?!).
Trường Trung cấp Cộng đồng cũng không được cấp phép tổ chức dạy học, ôn thi và tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng cũng đã về khắp các vùng ven Hà Nội để chiêu sinh. Hình thức là ôn thi 10 buổi, 2 tuần thi 1 đợt; kinh phí 3 triệu đồng/học viên.
Ảnh minh họa
“Hợp thức hóa” bằng… quy định riêng
Trong vai đến xin học tại Trường Trung cấp Cộng đồng – nơi có lớp học đang dạy ở thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội), tôi được giới thiệu đến gặp một nhân viên tên là Thanh của trường (cũng là người đến thu tiền tại lớp học). Chị Thanh cho biết, trường đã tổ chức mấy lớp học ở Đông Anh, cứ 2 tuần sẽ có một đợt thi, học viên đi học đầy đủ 10 buổi thì chắc chắn sẽ thi được.
Cũng theo chị Thanh, Trường Trung cấp Cộng đồng liên kết với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tổ chức những đợt thi. “Bạn cứ yên tâm gửi trước họ tên để mình làm danh sách và hợp đồng với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hồ sơ chuyển sau cũng được”, chị Thanh nói.
Khi tôi tỏ sự lo ngại về việc chưa từng học tiếng Anh bao giờ, chị Thanh trấn an: ‘‘Vậy thì nên đăng ký học. Mình cũng là giáo viên nên rất hiểu, cứ yên tâm đi học, 1 buổi dạy của các cô bằng cả 1 tuần các bạn học ở nơi khác, chỉ 2 tiếng thôi, vì cô giáo dạy “mẹo” - các bạn khi làm bài thi, không phải lo chuyện ấy. Cứ đi học, không trượt đâu”…
Dù theo như lời chị Thanh, giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ giảng dạy; nhưng các học viên đang học lớp học tại thôn Mai Hiên cho biết, trong 2 buổi đầu tiên, cô giáo là giảng viên của Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Đến buổi thứ 3 mới thay đổi giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Người học chỉ biết học, còn kiểm chứng là giáo viên ở đâu, giấy tờ được cấp phép như thế nào… thì không ai biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy trình liên kết đào tạo phụ thuộc vào từng trường. Thường thì nếu tổ chức, đơn vị nào có nhu cầu học, họ phải có văn bản gửi sang trường, bước tiếp theo trường có văn bản chấp thuận rồi làm hợp đồng, sau đó mới liên kết dạy. Có trường được phép cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu, liên kết với nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp để tiếp nhận thí sinh đăng ký dự thi, thậm chí có trường còn chấp nhận cho một số cơ sở có giấy phép, cho phép liên kết tổ chức ôn tập, thi lấy chứng chỉ…
Được biết, Bộ GD&ĐT chưa có quy định cụ thể về vấn đề liên kết giữa các trường trong cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu. Vì vậy, mỗi trường liên kết một phách đang khiến cho việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ trở nên rối rắm và thiếu minh bạch; nhiều cơ sở dựa vào quy định của Bộ và nhu cầu của giáo viên để lừa đảo, trục lợi.
Chính vì không có quy định rõ ràng và sự liên kết mập mờ giữa các trường với các trung tâm mà chất lượng tiêu chuẩn chức danh - nghề nghiệp cho giáo viên ngày càng kém.
Cao Huyền