THCL Trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 16/11 về mục tiêu đặt ra của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020 (Đề án 2020), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết mục tiêu đã nêu trong Đề án 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được, vì dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Theo đó, đây là nhiệm vụ không chỉ được đặt ra trước kia, hiện tại mà còn ở tương lai, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để đạt được các mục tiêu như Đề án đặt ra cần thời gian, kinh phí lớn.
Nhận trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Đề án, Bộ trưởng cho rằng không chỉ riêng Đề án 2020 mà các Đề án khác cần hết sức thiết thực, khả thi, bám sát vào những giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát để điều chỉnh lại cách tiếp cận và mục tiêu.
Đề án 2020 không chịu trách nhiệm đào tạo vấn đề ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng chỉ nêu hướng dẫn chung. Cụ thể, chương trình, nội dung phải thống nhất, biên tập, biên soạn theo hệ thống, trong đó có sự hỗ trợ của Quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo năng lực các thầy cô; tập trung đào tạo năng lực giáo viên. Phương thức tổ chức giảng dạy được thực hiện theo phương châm không nhất thiết phải có bằng cấp, mọi người đều có thể tham gia học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế những chương trình học, phương thức đào tạo theo hướng đào tạo từ xa, còn các địa phương, cơ sở giáo dục và người dân phải phát huy; đặc biệt là nhấn mạnh xã hội hóa. Xã hội hóa phải là tâm điểm để tạo ra môi trường, động lực. Với tinh thần ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh lại Đề án và tới đây sẽ trình Chính phủ về điều chỉnh Đề án này.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian này, việc thực hiện Đề án có những kết quả nhất định. Đề án nhấn mạnh việc không chỉ tập trung đào tạo, giảng dạy cho sinh viên mà cần phải đào tạo toàn dân, thông qua việc "xóa mù tiếng Anh," để giao tiếp, không quá khó để tạo ra một xã hội học tập. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự điều chỉnh. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, đó là quá trình lâu dài nhưng nếu không có bước đi, lộ trình sẽ khó đạt được mục tiêu và lãng phí nguồn lực.
Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân đến 2020 liệu có đạt được mục tiêu đề ra hay không và giải pháp trong thời gian tới; giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên mới ra trường; hướng đi nào để đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội… là những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/11.
PV