Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết thời gian qua đã nhận được thông tin phản ánh những tiêu cực trong việc bán sản phẩm hạt nhựa (polypropylene), gây thiệt hại 2,886 triệu USD trong vòng 6 tháng đầu năm 2018. Cục đã gửi văn bản số 189/C.IV-P1 tới Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) yêu cầu báo cáo về những thông tin phản ánh này.
Công suất của BSR là khoảng 15.000 tấn/tháng. Năm 2017, BSR đã ký hợp đồng kỳ hạn 3 năm (2018 - 2021) với thành tố Pre (tiền hạt nhựa) trong cơ cấu giá bán được thỏa thuận hằng năm (năm 2018 là 15USD/tấn) với 5 công ty. Bao gồm: Cổ phần Nhựa OPEC, Cổ phần Hóa chất nhựa Đà Nẵng, Cổ phần Thương mại và dịch vụ khoan dầu khí, Cổ phần Thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung, Cổ phần Nhà và thương mại dầu khí với tổng số lượng sản phẩm là 13.000 tấn/tháng.
Nhiêu uẩn khúc đằng sau việc bán tiền hạt sợi của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho Công ty An Phát Holding
Như vậy, còn lại khoảng 2.000 tấn xuất dư, BSR ký phụ lục hợp đồng với khách hàng, hoặc là giao theo giá kỳ hạn hoặc theo giá giao ngay.
Theo phản ánh mà Cục Phòng chống tham nhũng nhận được, trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã có 4 lần bán số hàng Extra theo kỳ hạn với thành tố Pre là 15USD/tấn, 2 lần bán số hàng Extra theo giá giao ngay với thành tố Pre là 52USD/tấn.
Tuy nhiên, đáng nói là giá Pre lại được chào bán chênh lệch rất lớn với giá đã thỏa thuận, tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho BSR với 13.000 tấn trong 6 tháng là 2,886 triệu USD.
Hiện tại, BSR đang dự kiến bán toàn bộ số hàng Extra 6 tháng cuối năm 2018 cho đối tác mới với phương thức theo kỳ hạn (Pre = 15USD/tấn) với 2.000 tấn dư sẽ gây thiệt hại 444.000USD.
Ngày 25/7/2018, với lý do thực hiện chỉ đạo của PVN trong việc khởi động lại nhà máy PVTex vốn đã thua lỗ nhiều năm và cần giải cứu, BRS bất ngờ thông báo về việc sẽ cắt giảm 35% khối lượng đã ký (tương đương 4.500 tấn/tháng) bán cho Công ty An Phát Holding. Việc này khiến tất cả các đối tác của BSR bất ngờ và phản đối kịch liệt.
Trong khi đó, được biết ngày 3/10/2018, Công ty cổ phần Nhựa Opec đã có văn bản gửi PVN, kiến nghị PVN "không dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào các hợp đồng kinh tế".
Liên quan đến động thái PVN chỉ đạo "cứu" PVTex thấy nhiều uẩn khúc và dấu hỏi được đặt ra: Lọc hóa dầu Bình Sơn cắt giảm hàng của đối tác để bán tiền hạt nhựa cho Công ty An Phát Holding, sau đó chuyển sang PVTex để hỗ trợ khởi động lại nhà máy? PVTex thực tế đã sản xuất được sản lượng đúng như báo cáo không? PVTex báo lãi thật hay chỉ là con số? Hợp tác giữa Công ty An Phát Holding và PVTex là mối quan hệ như thế nào,…
Được biết, từ ngày 20/4 vừa qua, PVTex cho biết, đã tiến hành khởi động, đi vào vận hành chính thức 3 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi Filament. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy, máy móc hoạt động ổn định, sản phẩm đạt 99,25% chất lượng, đảm bảo yêu cầu của khách hàng.
Trong một thời gian dài, PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỉ đồng). Tháng 5/2014, PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kinh doanh thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng. Năm 2016, nhà máy dự định vận hành trở lại nhưng không thành công và đóng cửa từ đó đến nay. Phương án cho phá sản nhà máy từng được cấp có thẩm quyền tính tới nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp này không thành công.
Cách đây không lâu, ngày 24/7/2018, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã diễn ra lễ ký hợp đồng gia công sợi DTY giữa PVTex (công ty con thuộc PVN) với CTCP Xơ sợi tổng hợp An Sơn, đơn vị được ủy quyền bởi CTCP An Phát Holdings (thành viên của Tập đoàn An Phát).
Theo bản thỏa thuận, các bên đã thống nhất lộ trình hợp tác để nâng công suất dây chuyền DTY đang vận hành thành từ 3 lên 25. Như vậy, sản lượng xơ sợi đạt được một tháng ước đạt 1.800 tấn/tháng.
"Hợp đồng gia công sợi DTY từ nguyên liệu POY đánh dấu mốc quan trọng trong tiền trình đi đến hợp tác sản xuất kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ giữa công ty PVTex với liên doanh đối tác An Phát Holdings và các đối tác chiến lược nước ngoài từ Singapore, chuyên gia cao cấp đến từ Ấn Độ", ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Tập đoàn An Phát nói.
Trước đó, ngày 27/4, PVTex đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất với liên danh An Phát và các đối tác nước ngoài nêu trên. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN đánh giá cao nỗ lực của PVTex trong việc tái sản xuất lại nhà máy, đặc biệt là sự sát cánh, hợp tác của An Phát.
"PVTex từng chết lâm sàng", ông Thanh nói một cách ví von và cho biết, giờ đây "trái tim đã đập lại, đã có hy vọng". Dù vậy, nhà máy vẫn chưa thực sự "khỏi bệnh". PVTex được vực dậy, thậm chí phát triển là có cơ sở, theo Chủ tịch PVN. Bởi ông có niềm tin vào sự hợp tác giữa An Phát và PVTex, như là sự kiện ký kết thời điểm này.
Nhấn mạnh sự tự thân vận động của nhà máy, cùng với sự trợ giúp của cổ đông, bộ ngành, đặc biệt, là "liều thuốc bổ" đến từ An Phát, ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT PVTex khẳng định nhà máy sẽ đứng dậy được và có những bước đi chắc chắn.
Bên cạnh hợp đồng được ký kết, ông Ngọc cho biết hai bên còn mục tiêu ký tiếp hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh của cả nhà máy. "Đây là dấu mốc để đi đến những mục tiêu xa hơn. Hai bên sẽ cùng hợp tác đưa nhà máy đi vào hoạt động an toàn, ổn định, nâng thương hiệu xơ sợi polyester của Việt Nam", ông Ngọc nói và bày tỏ.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận PVTex nửa đầu năm đạt 210 triệu đồng tiền lãi, nôm na riêng tháng 6, Công ty ghi nhận khoảng 40 triệu đồng tiền lãi (một báo cáo trước đó ghi nhận lãi 170 triệu tính đến 20/5/2018).
Theo Reatimes