Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Lọc hóa dầu Bình Sơn: Động lực tăng trưởng vùng kinh tế miền Trung – Tây Nguyên

Tiền thân của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, được thành lập ngày 9/5/2008, theo Quyết định số 1018/QĐ-DKVN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với sứ mệnh tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR giữ vai trò tiên phong, đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và là động lực để thay đổi vùng kinh tế miền Trung – Tây Nguyên.

NMLD Dung Quất - hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại miền Trung trong tương lai
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - hạt nhân của trung tâm lọc hóa dầu quốc gia tại miền Trung trong tương lai

Trải qua 15 năm hình thành, xây dựng và phát triển, người lao động BSR không ngừng nỗ lực, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát huy để vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định và hiệu quả. Công ty BSR trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp lọc hóa dầu tại Việt Nam.

Thay đổi vùng kinh tế Quảng Ngãi và miền Trung – Tây Nguyên

Kể từ thời điểm đón dòng sản phẩm đầu tiên cho đến nay, BSR đã sản xuất phẩm và tiêu thụ hơn 83,8 triệu tấn sản phẩm các loại. Tổng doanh thu của BSR đạt trên 1,43 triệu tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách Nhà nước ước đạt trên 203,9 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động ổn định, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ đó, khu kinh tế Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước. Cũng từ đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xem là trái tim bên cạnh nhiều dự án lớn khác như nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, khu công nghiệp VSIP… Có thể nói, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là "thỏi nam châm" thu hút giới đầu tư, cũng là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 2009, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên, ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi dần có những khởi sắc ban đầu. Năm 2010, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức nghiệm thu và đi vào hoạt động thương mại, tỉnh Quảng Ngãi thu ngân sách đạt 15.553 tỷ đồng, riêng BSR đã đóng góp 14.382 tỷ đồng (chiếm 92,5% thu ngân sách toàn tỉnh).

Vào năm 1989, khi mới tách tỉnh Quảng Ngãi, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 601 tỷ đồng, thì đến năm 2019 đã đạt trên 125.594 tỷ đồng, gấp gần 207 lần và tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 19,5%/năm. Cuối năm 2022, ngành công nghiệp Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả ấn tượng, với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 43,6% trong cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 129 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 97,67 triệu đồng, xếp thứ 2 so với 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thứ 2 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong giai đoạn 2013-2015 khi giá dầu neo ở mức cao (có thời điểm trên 120 USD/thùng), doanh thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 25.000 tỉ đồng/năm, số thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mức đóng góp của BSR cho GPD tỉnh Quảng Ngãi tuy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt trong năm 2021, vượt qua khó khăn, BSR đã đóng góp 46% ngân sách cho tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2022, BSR đóng góp hơn 19 nghìn tỷ đồng doanh thu ngân sách của tỉnh, chiếm 54% ngân sách toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chia sẻ về những thành quả của Công ty, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội cho biết:

"BSR đã hoàn thiện mắt xích trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí. Đơn vị đã và đang giữ vững vị thế chủ lực trong ngành công nghiệp Lọc hóa dầu Việt Nam. Sản lượng sản xuất hằng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cho đất nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Trong trung và dài hạn, BSR với tầm nhìn “trở thành doanh nghiệp dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và lọc hóa dầu” sẽ tiếp tục phấn đấu cùng với sứ mệnh “cung cấp những sản phẩm lọc hóa dầu với tiêu chuẩn chất lượng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và là động lực cho sự phát triển kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”...".

Cơ sở hình thành trung tâm lọc hóa dầu lớn nhất cả nước

Để đánh giá là một doanh nghiệp hàng đầu có rất nhiều tiêu chí, tuy nhiên khả năng làm chủ khoa học – công nghệ, phát huy sáng kiến, sáng chế, tăng công suất vận hành luôn được xem tiêu chí hàng đầu.

Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong tiêu thụ xăng dầu và các sản phẩm từ lọc – hóa dầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR đã phối hợp với các nhà cung cấp bản quyền công nghệ, nhà sản xuất thiết bị, các đơn vị tư vấn… tiến hành đánh giá khả năng khai thác tối đa hiệu quả vận hành của thiết bị. Bên cạnh đó, BSR còn triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm khai thác tối ưu hệ số dự phòng của thiết bị, dây chuyền sản xuất để tăng khả năng chế biến đa dạng nguồn nguyên liệu và tăng tối đa sản lượng sản xuất sản phẩm của Nhà máy.

Ở thời điểm hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở công suất cao lên đến 112-114%, có thời điểm toàn Nhà máy đạt công suất 114%. Một số dây chuyền/phân xưởng công nghệ đã được khai thác tối đa hệ số dự phòng lên đến 115%, 120%, 130% công suất như phân xưởng sản xuất hạt nhựa 115%, hay phân xưởng xử lý Naphtha130-135%. Đến nay, nhờ những cải tiến về công nghệ, nhà máy đã tháo gở được các giới hạn kỹ thuật và tận dụng tối đa hệ số dự phòng và vận hành lên 110% - 112 % công suất cơ sở ban đầu theo đánh giá, có thời điểm tăng đến 114%. Trong đó, các phân xưởng công nghệ đã tăng từ 115-130% so với công suất cơ sở, dựa trên kết quả nghiên cứu của các Nhà bản quyền công nghệ và các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Đặc biệt trong năm 2022 và đầu năm 2023, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành lên 112%, góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho Việt Nam khi nguồn cung trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài bị thiếu hụt. Những thành tựu trong vận hành, kỹ thuật là nền tảng để biến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trở thành hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại miền Trung.

Trong chuyến thăm và làm việc tại BSR đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc hăng say, trách nhiệm, sáng tạo của tập thể người lao động BSR trong năm 2022, góp phần vào thành công của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cả nước. “Chúng ta tự hào vì đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam do người Việt tự xây dựng, tự vận hành, quản lý… góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đổi mới toàn diện”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu BSR cần đa dạng hoá các chuỗi sản phẩm, đa dạng hoá cung ứng để tận dụng được tối đa chức năng nhà máy. Về đề án phát triển Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, Thủ tướng cũng đánh giá việc hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu tại Dung Quất phù hợp với Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và cần thiết cho việc phát triển ngành dầu khí và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do BSR đang tiến hành được xem là cơ sở để hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại miền Trung. Theo đó, dự án sẽ nâng công suất toàn Nhà máy lên 171.000 thùng/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm). và mở rộng sản phẩm hóa dầu. Bên cạnh đó, khi mỏ khí Cá Voi Xanh (ngoài khơi Quảng Nam) tiến hành đưa khí vào bờ sẽ là cơ hội để phát triển sản phẩm hóa dầu từ khí tự nhiên.

Hiện nay, 3 trung tâm lọc hóa dầu lớn đang dần hình thành trong cả nước là miền Bắc (Thanh Hóa), miền Trung (Quảng Ngãi) và miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu). Để tăng tốc sự phát triển trong lĩnh vực lọc – hoá dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể về các trung tâm lọc hóa dầu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, hiện Quảng Ngãi đang đứng thứ 22 cả nước về quy mô kinh tế. Đối với một tỉnh có xuất phát điểm thuần nông nhưng kiên quyết trong việc phát triển công nghiệp như Quảng Ngãi, đó là một sự vượt khó rất lớn.

“Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, công nghiệp chiếm tỷ trọng 60 - 61%. Vì vậy, Quảng Ngãi cam kết đồng hành, tạo điều kiện để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và BSR phát triển hơn nữa. Định hướng trong tương lai, sẽ hình thành trung tâm lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Đức Chính

Bài liên quan

Tin mới

Thị trường dầu toàn cầu năm 2024 sẽ như thế nào?
Thị trường dầu toàn cầu năm 2024 sẽ như thế nào?

Giám đốc điều hành (CEO) của công ty dầu mỏ Mỹ Occidental, bà Vicki Hollub, tháng 2/2024 nhận định thị trường dầu sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm 2025, vì thế giới không thể thay thế kịp lượng dầu thô dự trữ hiện tại.

Giáo hoàng Francis làm một việc đầu tiên trong lịch sử G7
Giáo hoàng Francis làm một việc đầu tiên trong lịch sử G7

Giám đốc văn phòng báo chí Vatican, ông Matteo Bruni xác nhận, Giáo hoàng có ý định tham gia Hội nghị cấp cao G7 năm nay và nói với Catholic News Service rằng, ông tin Giáo hoàng sẽ tham dự cuộc họp, chứ không chỉ gửi một thông điệp.

Giới thiệu: Nhà hàng Thảo Lâm Viên - Khu đô thị Eco Charm Đà Nẵng
Giới thiệu: Nhà hàng Thảo Lâm Viên - Khu đô thị Eco Charm Đà Nẵng

Tọa lạc trên một vị trí đắc địa với quy mô 60 ha, nhà hàng nằm trọn trong lòng đảo Thủy Tú, Khu đô thị Eco Charm - là khu đô thị đảo xanh duy nhất ở phía tây bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau
Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau

Đó là ghi nhận trong thông báo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng Tư của Ngân hàng thế giới (WB): Kinh tế đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau và dự báo tăng trưởng sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024.

Tập đoàn Novaland báo lỗ sau thuế trong quý I/2024 lên tới gần 601 tỷ đồng
Tập đoàn Novaland báo lỗ sau thuế trong quý I/2024 lên tới gần 601 tỷ đồng

Mặc dù, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland, mã cổ phiếu NVL - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý của Tập đoàn Novaland lại giảm hơn 30%, chỉ còn 640 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là khoản lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư giảm 29% so với quý I/2023.

Nhựa An Phát Xanh: Lợi nhuận tăng đột biến từ giá hạt nhựa ổn định
Nhựa An Phát Xanh: Lợi nhuận tăng đột biến từ giá hạt nhựa ổn định

Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã cổ phiếu AAA - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, còn 2.900 tỷ đồng.