
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn tại BSR”. Hội thảo có sự tham gia của ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc BSR, Ban Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn thuộc khối trực tiếp của Nhà máy cùng các cán bộ công nhân viên chuyên trách.
Kinh tế tuần hoàn - xu hướng tăng trưởng bền vững
Theo mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (hay còn gọi là kinh tế thẳng) hiện tại hoạt động theo nguyên tắc khai thác - sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ, dẫn đến sự lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển của nền kinh tế xanh nhằm giảm khai thác tài nguyên, hạn chế phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường hướng đến phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hay kinh tế tuần hoàn là “biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hoặc tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp”.
Nguyên tắt cơ bản của kinh tế tuần hoàn là áp dụng nguyên tắt 3R trong ISO 14001 gồm: Reduce (giảm thiểu) - Sử dụng ít tài nguyên hơn và giảm lượng chất thải; Reuse (tái sử dụng) - Sử dụng lại các sản phẩm và vật liệu nhiều lần; Recycle (Tái chế) - Chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu mới để sản xuất sản phẩm khác.
Theo đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” được tại Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng lối sống xanh, hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại các lợi ích: Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu rác thải và ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tiết kiệm chi phí: Giảm chi phí sản xuất và xử lý chất thải. Tạo cơ hội kinh tế: Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo ra các ngành nghề mới và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Như vậy, kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn tại BSR
Tại BSR, hiện nay đã và đang thực hiện các giải pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm tiêu thụ năng lượng và hạn chế phát thải ra môi trường, điển hình như: Tuần hoàn nước rửa muối, thu hồi nhiệt thải, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, giảm sử dụng hóa phẩm, giảm tiêu thụ nước, thu hồi dầu từ bùn, cặn đáy bể, giảm đốt dầu FO, hợp tác sản xuất sản phẩm mới K-ment thân thiện với môi trường từ xúc tác RFCC đã qua sử dụng,…

Tại hội thảo, các thành viên đã đóng góp đề xuất, ý kiến, ý tưởng nhằm phát triển một mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ và hiệu quả tại BSR như: Nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) phương án sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh; Nghiên cứu phát triển hệ thống pilot công nghệ cao sản xuất sinh khối vi tảo phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học tiên tiến và chuyển đổi năng lượng xanh; Lắp đặt nhà máy điện gió, dự án điện mặt trời áp mái cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Thay thế nhiên liệu đốt FO bằng LNG; Nghiên cứu khả thi sản xuất Carbon nano từ CO₂ trong Flue Gas để ứng dụng trong pin và vật liệu lưu trữ năng lượng; Nghiên cứu tiền khả thi phương án tái sử dụng nước thải nhằm giảm sử dụng tài nguyên và giảm tác động môi trường; Thu hồi silica hoặc alumina từ xúc tác thải của phân xưởng RFCC và ứng dụng làm vật liệu nền cho pin thể rắn,..
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc BSR nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm tối ưu hóa nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các Ban chuyên môn tại BSR sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp kinh tế tuần hoàn không chỉ để nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. BSR sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến và hợp tác với các đối tác để đưa kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất”.
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn giúp BSR không chỉ giảm tác động môi trường mà còn hướng đến tăng trưởng bền vững và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao cho Công ty.
Trang Nhung