Tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh Long An
Tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh Long An (Ảnh: KT)

Theo đó, quan điểm thu hút đầu tư là nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh với những giải pháp đồng bộ, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy hoạch, định hướng và điều kiện phát triển của tỉnh.

Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn, công nghệ tiên tiến để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh. Chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị, triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động.

Qua đó, giải quyết tốt vấn đề lao động, tạo việc làm, an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2024 gồm 11 hoạt động thuộc 7 nhóm nội dung. Trong đó, định hướng thu hút đầu tư phải phù hợp với phát triển của tỉnh được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đẩy mạnh số hóa các dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư; các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Nâng cao năng lực và đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng. 

Đồng thời, định hướng theo ngành, nghề lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên mang lại lợi ích kinh tế cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, định hướng thu hút theo đối tác đầu tư: tiếp tục đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ các thị trường đầu tư truyền thống và tiềm năng từ các quốc gia phát triển, có nền công nghiệp công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng và là thành viên cùng tham gia các FTA đa phương với Việt Nam (CCTPP, RCEP, EVFTA...), tham gia liên kết các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tận dụng triệt để các chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư; Tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia (Transational Corporations, viết tắt: TNCs), các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và từ Châu Âu (Đức, Pháp, Anh...)

Yến Linh