Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông (Ảnh: KT)

Theo đó, từng sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. 

Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông.

Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến lứa tuổi học sinh, như: điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi quy định, giao xe cho người chưa đủ điều kiện, phương tiện đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật...

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với đối tượng trong lứa tuổi học sinh...; thực hiện hiệu quả nội dung cam kết chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT.

Phát huy vai trò của Nhà trường, phụ huynh và gia đình trong việc quản lý kiểm soát, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, văn hóa tham gia giao thông văn minh, ý thức tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các khu dân cư, trường học, các tuyến giao thông có trường học. Rà soát, sắp xếp tổ chức giao thông trước khu vực trường học và phân luồng, phân tuyến khoa học, hợp lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT trước cổng trường học.

Yến Linh (t/h)