Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Kênh Hàn, ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Kênh Hàn, ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (Ảnh: KT)

Theo quyết định, hàng năm tại khu vực bờ sông Kênh Hàn thuộc ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc thường chịu tác động mạnh của dòng chảy, triều cường lên xuống (vị trí tiếp giáp gần cửa sông Soài Rạp); kết hợp với số lượng lớn các phương tiện đường thủy có tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày đêm đã gây ra sạt lở từ nhiều năm qua.

Đặc biệt trong 02 năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn, mép bờ sông hiện trạng lấn sâu vào bên trong từ 1,0 - 2,0 m, lòng sông ngày càng mở rộng và làm cuốn trôi nhiều diện tích đất và cây trồng, gây tâm lý bất an cho người dân sinh sống cặp bờ sông.

Tổng chiều dài sạt lở nghiêm trọng khoảng 125 m, với 03 vị trí trọng điểm gồm: Đoạn 01 dài 30 m, đoạn 02 dài 55 m, đoạn 03 dài 40 m có nguy cơ làm sạt lở đất, sập đổ nhà ở và thiệt hại tài sản, nguy cơ mất an toàn tính mạng của một số nhà dân đang sinh sống ngay các vị trí bị sạt lở.

Các vị trí sạt lở đã được chính quyền địa phương, người dân nhiều lần chủ động gia cố, xử lý chống sạt lở để bảo vệ nhưng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Ngoài đoạn sạt lở nghiêm trọng trên, trên tuyến sông Kênh Hàn còn nhiều vị trí bị sạt lở lấn sâu vào phần đất và cây trồng của các người dân.

Sự cố sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân sinh sống dọc bờ sông, hiện có khoảng 20 hộ dân với 80 người dân sinh sống sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng (trong đó có 02 hộ gia đình chính sách, 02 hộ nghèo và 01 hộ cận nghèo).

Do đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Cần Giuộc khẩn trương tổ chức ổn định đời sống của các hộ dân trong khu vực; tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng khẩn cấp này.

Chỉ đạo UBND xã Phước Vĩnh Đông tiếp tục vận động người dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở thường xuyên, theo dõi diễn biến sạt lở để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng.

Tuyên truyền cảnh báo sạt lở, nghiêm cấm người dân đến gần khu vực sạt lở; không cho các phương tiện thủy neo đậu trong vùng sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

Tổ chức điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đầu tư các cụm tuyến dân cư để di dời các hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.

Tổ chức lập phương án xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cần Giuộc rà soát, cập nhật vành đai sạt lở; phối hợp các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình sạt lở, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin để thông tin, cảnh báo về tình trạng khẩn cấp này để nhân dân, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu vực có sự cố sạt lở biết mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

Thuận Yến (t/h)