Ngày 08/10, Tỉnh ủy Long An đã tổ chức Hội nghị lần thứ 17 (khóa XI). Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Tỉnh ủy Long An
Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Tỉnh ủy Long An (Ảnh: KT)

Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng cao so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt khá. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm.

Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng năm 2024 đạt 6,82%, đứng thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tốc độ tăng trưởng quí III/2024 so với quí II/2024 đạt 9,23%, đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cả 3 khu vực đều tăng trưởng khá: Khu vực I (3,15%), khu vực II (8,87%), khu vực III tăng 5,5%.

Về công tác thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá tốt với gần 20.000 tỉ đồng, đạt 92% dự toán tỉnh giao, tăng hơn 1,4 lần so cùng kỳ. Đặc biệt, với nỗ lực cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư đã giúp hoạt động thu hút đầu tư đạt một số kết quả tích cực.

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân trong 9 tháng năm 2024 đạt khá so với kế hoạch và so với cả nước; nằm trong tốp đầu thực hiện của cả nước, đạt hơn 70% kế hoạch.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được tập trung thực hiện quyết liệt, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TU của Tỉnh ủy. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là các gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và công nhân, người lao động,…

Hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An và các tỉnh ngày càng được đầu tư hiện đại
Hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An và các tỉnh ngày càng được đầu tư hiện đại

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy trong 9 tháng năm 2024 còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là GRDP tuy có sự phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Công tác giải quyết hồ sơ, thủ tục đối với các dự án đầu tư còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Tiến độ triển khai các dự án ngoài ngân sách nhà nước còn chậm và số vốn thực hiện đạt thấp so với tổng vốn đăng ký,…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, bàn giải pháp để GRDP đạt theo Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 từ 8% - 8,5%; tình hình thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; những thuận lợi, khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh; công tác chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong 3 tháng cuối năm phải tiếp tục đổi mới tư duy, lề lối làm việc; năng động, sáng tạo; tự lực, tự cường; khắc phục tình trạng sợ sệt, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm; với tinh thần “5 thật, 7 dám, 5 rõ”, quyết tâm về đích sớm các chỉ tiêu nghị quyết năm 2024 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực động viên, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần “hành chính phục vụ”.

Đồng thời, khẩn trương lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục huy động hiệu quả mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các dự án lớn ngoài ngân sách.

Ngoài ra, tập trung lãnh đạo hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo Nghị quyết số 25-NQ/TU của Tỉnh ủy; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án theo kế hoạch đầu tư công năm 2024; tăng cường thông tin đối ngoại, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh; tập trung tổ chức đạt hiệu quả Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh lần thứ 2.

Tỉnh Long An tập trung quy hoạch hệ thống các cảng cạn và trung tâm logistics
Tỉnh Long An tập trung quy hoạch hệ thống các cảng cạn và trung tâm logistics

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Long An xác định mục tiêu đến năm 2030, Long An trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, là cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế, đô thị, công nghiệp kết nối chặt chẽ TP. HCM và Đông Nam Bộ với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, phát huy vai trò liên kết vùng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đổi mới tư duy và cách làm trong công tác xúc tiến đầu tư, chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư lớn, tiềm năng; số hóa và công khai các tài liệu thông tin về tỉnh.

Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn vị phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành tỉnh cũng như chủ đầu tư khu công nghiệp nắm các thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp cũng như trên địa bàn.

Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư khu công nghiệp triển khai, thực hiện, thông tin đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách; công bố công khai, minh bạch các thủ tục; hỗ trợ, hướng dẫn đầy đủ, chính xác các thủ tục; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả,... để thu hút đầu tư đạt kết quả cao nhất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì vận hành Cổng thông tin xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (ipinvietnam.vn) với 5 ngôn ngữ hiện có (tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Hoa…

Tinh đến nay, tỉnh Long An có gần 19.000 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 386.470 tỉ đồng. Tỉnh có 2.254 dự án trong nước với số vốn đăng ký 491.574 tỉ đồng. Thu hút 1.388 dự án FDI, vốn hơn 11,8 tỉ USD; trong đó, có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ USD.

Ngoài ra, trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh Long An quy hoạch hệ thống các cảng cạn và trung tâm logistics. Trong đó, quy hoạch 2 cảng cạn gồm Cảng cạn Bến Lức có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm và Cảng cạn Tân Lập; huyện Thủ Thừa có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường cũng như nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa để đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh và các tỉnh trong Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy gồm tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) – Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa; tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh cũng như quy hoạch xây dựng hệ thống cảng hàng hóa, cảng chuyên dùng và cảng bến khách đồng bộ, hiện đại phục vụ tối đa cho phát triển KT-XH, nhất là dịch vụ logistics.

Điều này, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, kết nối các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM, Vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng.

Thuận Yến