Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (Ảnh: KT)

Theo đó, đối với các mặt hàng do nhà nước định giá, trong quý IV/2023, trên cơ sở phương án giá do đơn vị sản xuất, kinh doanh lập, các Sở quản lý chuyên ngành và cơ quan chuyên môn thuộc cấp huyện theo quy định tại Quyết định 45/2020/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan và phân cấp quyết định giá;

Trình tự, quy trình thẩm định phương án giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của UBND tỉnh Long An tiếp tục tổ chức rà soát phương án giá, các dịch vụ công triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp;

Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Thực hiện đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát cung cầu, giá cả thị trường các vật liệu xây dựng, đặc biệt đối với cát xây dựng, cát san nền, chú trọng các giải pháp đảm bảo nguồn cung, không để ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình xây dựng trọng điểm.

Yến Linh (t/h)