Chỉ số phát triển kinh tế 6 tháng năm 2024 đều tăng trưởng

Khởi công xây dựng Nhà máy Suntory PepsiCo Việt Nam tại Long An cho thấy hiệu quả trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Khởi công xây dựng Nhà máy Suntory PepsiCo Việt Nam tại Long An cho thấy hiệu quả trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo đó, khu vực 1 tăng 2,93%, khu vực 2 tăng 5,54% và khu vực 3 tăng 6,46%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,05%.

Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực từ hoạt động sản xuất lúa đông xuân, nuôi trồng thủy sản; ước tăng trưởng toàn ngành đạt khá, đạt 2,93%. Tỉnh Long An đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn; hạn chế ảnh hưởng thấp nhất đến sản xuất và đời sống người dân.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra; góp phần tăng năng suất các cây trồng nói chung và cây trồng chủ lực của tỉnh.

Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới được quan tâm, công nhận thêm 06 xã nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh có 133/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 82,6%; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 30,53%. 

Về sản xuất công nghiệp và xây dựng có xu hướng phục hồi tích cực với mức tăng trưởng của cả khu vực đạt 5,54% (cùng kỳ tăng 3,54%). Trong đó, ngành công nghiệp ước tăng 5,61% (cùng kỳ tăng 3,66%). Doanh nghiệp có được đơn hàng và tăng sản lượng sản xuất góp phần cho ngành công nghiệp tăng trưởng.

Về Thương mại - dịch vụ phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội tỉnh tới các tỉnh/thành và thế giới, người dân tăng chi tiêu hơn do thu nhập tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm ước tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước 6.155 triệu USD; trong đó xuất khẩu ước 3.757 triệu USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước đạt 2.398 triệu USD, tăng 17,21%.

Về tài chính - tín dụng, công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước được tập trung chỉ đạo từ đầu năm, đáp ứng kịp thời kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 5 tăng khá cao so với cùng kỳ (tăng 50,78%). Hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động thông suốt; số dư huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát. 

Đồng thời, tỉnh Long An cũng có nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động xúc tiến đầu tư như tổ chức thành công các cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà đầu tư tiềm năng; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp hàng tháng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; nhiều dự án có vốn đầu tư lớn được khởi công xây dựng…

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 cải thiện đáng kể, đứng thứ 02/63 tỉnh, thành trong cả nước; một số chỉ số thu hút đầu tư trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả tốt như số doanh nghiệp đăng ký hoạt động và số vốn đăng ký mới tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, đầu tư công được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm, tỷ lệ giải ngân đạt 34,03% kế hoạch, đạt khá cao so với các tỉnh thành, đứng thứ 10/63 tỉnh thành; nhưng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ đạt 41,28% kế hoạch).

Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm và 03 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh được tập thực hiện theo kế hoạch đề ra, đạt nhiều kết quả tích cực.

Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và du lịch được thực hiện đúng kế hoạch. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Trong 6 tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Long An sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2024 và tập trung đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.

Tiếp tục huy động hiệu quả mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 03 chương trình đột phá, 03 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; tiếp tục rà soát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư; cải cách hành chính.

Ngoài ra, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng và hoạt động của Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024; quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, người có công; trẻ em, người già, người neo đơn. - ông Võ Thành Trí - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết.

Tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội

Long An hướng tới phát triển hạ tầng bền vững
Long An hướng tới phát triển hạ tầng bền vững

UBND tỉnh Long An đã ký ban hành Chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì tập trung cao độ, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; tiếp tục xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đã đạt được.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và tình hình, kết quả thực hiện đến nay để xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 theo các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh.

Trong đó, đối với nội dung đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển đề ra tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và theo các Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ, HĐND các cấp (đối với các địa phương) về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đánh giá đúng thực chất, bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, có so sánh với năm 2023 và các năm 2021 – 2023.

Bao gồm: các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, thể chế, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh...; các tồn tại, hạn chế, trong đó phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để kịp thời khắc phục, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống người dân Long An trong những tháng cuối năm 2024.

Đối với nội dung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2021 - 2023, ước thực hiện kết quả năm 2024 và dự báo tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; đánh giá, phân tích, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.

Tập trung theo dõi, dự báo kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, trong tỉnh để chuẩn bị, sẵn sàng các kịch bản, giải pháp, đối sách phù hợp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên cơ sở đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của HĐND và phù hợp với quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới thực hiện cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Đồng thời, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung thực hiện 03 công trình trọng điểm, 03 chương trình đột phá.

Đẩy mạnh hoàn thiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế; triệt để phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, phát huy tính tự lực, tự cường của các cơ quan, đơn vị, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Ngoài ra, các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đồng thời phải được lượng hóa rõ ràng như: tỷ lệ giải ngân; thủ tục hành chính được rút gọn; biên chế được tinh giản...

Yến Linh