Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, phối hợp cơ quan chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tiêm vắc xin CGC bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn có nguy cơ; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng miễn phí vắc xin Cúm gia cầm đợt 1/2023 theo văn bản triển khai số 1171/SNN-CCCNTYTS ngày 20/02/2023 của Sở Nông nghiệp và Pháttriển nông thôn.
long An tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm; chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành thú y thực hiện giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (địa phương giáp biên giới, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm,...) để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút CGC A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8,... theo quy định.
Đồng thời, Long An chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đúng nơi quy định trên địa bàn; tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Bên cạnh đó, Long An thực hiện rà soát, củng cố hệ thống mạng lưới thú y cơ sở nhằm tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin về dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật trên địa bàn.
Tỉnh Long An giao Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã vùng biên giới tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật qua khu vực biên giới của tỉnh.
Ngoài ra, Tỉnh Long An giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các sở, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm C trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở,…; đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Thuận Yến - Thuỳ Linh(t/h)