Lũ trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai tiếp tục xuống chậm. Tại Yên Bái đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Còn tại Phú Thọ và Hà Nội đang lên.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên, còn sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Dự báo trong 12 giờ tới (đêm nay đến sáng mai), lũ trên sông Hồng tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử, còn tại Phú Thọ lên mức báo động 2.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh lên mức báo động 2.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ban bố lệnh báo động lũ cấp hai. Báo động một trên sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) là 9,5; báo động hai là 10,5 m; báo động ba là 11,5 m.
Lệnh báo động hai tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao có thể gây ngập ven sông, vùng trũng thấp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khu vực ngập lụt.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Khi lên báo động một, TP. Hà Nội cho biết tính từ năm 2008 đến nay sông Hồng mới lên cao ở mức này nên người dân có thể chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chính quyền có thể bị động.
Báo động cấp một là sông bắt đầu có lũ, nhưng còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ. Báo động cấp hai là mực nước trên sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội - tương đương lũ trung bình.
Thiên Trường