Theo Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.

Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ 08 tháng năm nay tăng 84,8%, sang thị trường các nước Liên minh Châu Âu-EU tăng 82,2%.

Ảnh internet
Các thị trường khó tính như Châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Ảnh internet.

Nhận định về nhu cầu của thị trường xuất khẩu, đại diện công ty Trung An cho biết, các thị trường khó tính như Châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Theo đó, các đơn hàng liên tục được ký mới và gần đây công ty vừa trúng gói thấu xuất khẩu 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với giá trị hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ xuất khẩu vào đầu năm 2023.

Thị trường lúa gạo ở "vựa lúa" Việt Nam liên tục neo ở mức giá cao trong nhiều tuần gần đây. Cụ thể: Lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi Long An 8.000 – 8.100 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.800 – 9.900 đồng/kg; cám khô ở mức 8.700 – 8.800 đồng/kg.

Dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tháng 11/2022 cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/2023 tiếp tục giảm so với trước đó. Nhập khẩu sẽ giảm nhẹ do nhu cầu thấp hơn từ Mali và Mozambique. Tương tự, xuất khẩu cũng thấp hơn chủ yếu với Pakistan và Hoa Kỳ.

Hải Dương (t/h)